Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 21.7.1954, Hiệp định Geneve về đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết.
Pháp và các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia và đây là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân 3 nước Đông Dương từng bước tiến lên giành độc lập, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước ở mỗi nước.
TTXVN dẫn lời Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho rằng, cần tiếp tục phát huy những bài học, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đồng lòng chung sức khắc phục mọi khó khăn gian khổ đánh bại kẻ thù; phát huy nội lực, đề cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, tăng cường đoàn kết, mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè quốc tế; sát cánh bên nhau, tăng cường hiệu quả hợp tác.
Theo Đại sứ, trước mắt, Việt Nam và Lào nên tập trung vào các ưu tiên sau: Thứ nhất, đối với sự nghiệp phát triển mỗi nước, cần nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm, luôn gắn lý luận với thực tiễn, thấm nhuần quan điểm coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luôn bám sát thực tiễn, phân tích đúng đắn những phát triển mới của tình hình thế giới và trong nước để từ đó tổng kết thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận.
Thứ hai, với quan hệ Việt Nam - Lào, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, đặc biệt cần tiếp tục giữ gìn và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; quán triệt và nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đến mọi tầng lớp nhân dân hai nước.
Nâng tầm hợp tác kinh tế hai nước bằng việc mở rộng, nâng cấp kết nối giao thông Đông - Tây; thiết lập cơ chế hợp tác đồng bộ, chính sách đặc biệt nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước đầu tư và kinh doanh; giải quyết vướng mắc bằng các giải pháp đột phá; phát huy các mô hình hợp tác mới, chẳng hạn như mô hình hợp tác Việt Nam - Lào + 1, để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và tranh thủ tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, công nghệ của đối tác; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng cường hiệu quả thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.