Azerbaijan đã bàn giao quyền chỉ huy lực lượng không quân ở Nagorno-Karabakh cho Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia tuyên bố.
Bộ chỉ huy quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang điều phối các cuộc không kích của Azerbaijan nhằm vào các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Armenia, Shushan Stepanyan, cho biết trong một loạt bài đăng trên Twitter hôm 30.9.
Bà Stepanyan tuyên bố, các sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ “trực tiếp kiểm soát” hoạt động của máy bay quân sự Azerbaijan từ trên máy bay điều khiển và cảnh báo sớm E-7T bay qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, giữa các thành phố Erzurum và Kars, phía tây biên giới Armenia.
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu ít nhất 4 chiếc Boeing 737 AEW & C, còn được gọi là E-7T ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Được trang bị radar mảng pha có khả năng đồng thời tìm kiếm và điều khiển máy bay chiến đấu ở khoảng cách hơn 600 km, những chiếc máy bay này được thiết kế để cảnh báo sớm và phối hợp các nhiệm vụ trên không.
Vai trò của chúng trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan vẫn chưa rõ ràng.
Bà Stepanyan tuyên bố, Ankara đã giám sát ít nhất hai cuộc không kích mà lực lượng Azerbaijan tiến hành nhằm vào các thị trấn Hadrut và Martuni, nằm trong khu vực tranh chấp.
Bà cũng cáo buộc có ít nhất hai máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia các cuộc không kích này. Yerevan không tiết lộ liệu các cuộc tấn công có dẫn đến thương vong hay thiệt hại vật chất nào hay không.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận bất kỳ lực lượng nào của nước này được triển khai để hỗ trợ Baku trong cuộc xung đột với Yerevan, đồng thời khẳng định rằng, quân đội Azerbaijan có “khả năng và trình độ để tự mình giành được chiến thắng”.
Ngày 30.9, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã ra một tuyên bố cáo buộc Armenia tuyên truyền thông tin sai lệch. Ankara nói Yerevan thiếu bằng chứng để biện minh cho những tuyên bố của mình, những tuyên bố không thể được "xem xét một cách nghiêm túc”.
Đây không phải là lần đầu tiên Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến cùng phía Azerbaijan.
Hôm 29.9, Armenia cho biết, một máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay phản lực Su-25 của Armenia - điều mà cả Baku và Ankara đều phủ nhận. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ giúp Azerbaijan đẩy lùi “sự xâm lược của người Armenia”, đề nghị hỗ trợ cả về ngoại giao và quân sự.
Diễn biến xảy ra sau bùng phát bạo lực giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan về Nagorno-Karabakh. Xung đột bùng phát hôm 27.9 sau một cuộc giao tranh giữa quân Azerbaijan và binh lính sắc tộc Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh.
Nagorno-Karabakh, vốn là một nước cộng hòa tự xưng nhưng được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, là tâm điểm xung đột giữa Yerevan và Baku kể từ cuộc chiến Nagorno-Karabakh kết thúc vào năm 1994 với chiến thắng của người Armenia.
Azerbaijan khẳng định rằng, 20% lãnh thổ của mình bị Armenia chiếm đóng bất hợp pháp. Mỗi bên đều cáo buộc bên kia giết dân thường, đồng thời đăng video có chủ đích cho thấy khí tài quân sự của đối thủ bị phá hủy.