Đây là công trình kiến trúc cao nhất từng bị phá dỡ ở quốc gia Nam Á này, theo tờ Arab News.
Các nhà chức trách cho biết, hơn 3.700 kg chất nổ đã được sử dụng vào khoảng 14h30 để san bằng công trình xây dựng trái phép là 2 tòa tháp đôi - mỗi tòa tháp cao gần 100 mét, kéo theo một lượng lớn bụi bặm và mảnh vụn. Toàn bộ quá trình này kéo dài 9 giây.
Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra lệnh phá dỡ các tòa nhà ở khu vực Noida vào năm ngoái, sau khi các thẩm phán ra phán quyết rằng công ty xây dựng, công ty bất động sản Supertech đã vi phạm một loạt quy định xây dựng và tiêu chuẩn an toàn cháy nổ.
Sau hơn một thập kỷ đấu tranh pháp lý đòi phá dỡ, người dân địa phương đã ăn mừng chiến thắng hôm 28.8.
Uday Bhan Singh Teotia, 80 tuổi, là thành viên của nhóm khởi kiện ban đầu, nói với Arab News: “Hôm nay là ngày ăn mừng. Sau khi chiến đấu trong 10 năm và trải qua tất cả những đau đớn khi theo đuổi vụ án, chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình. Điều này mang lại thông điệp cho người xây dựng và cho tất cả những người vi phạm quy tắc".
Khoảng 7.000 người đã rời khỏi nhà gần địa điểm vụ nổ, nhiều người lo ngại về ô nhiễm do bụi và các mảnh vụn từ việc phá dỡ.
“Chúng tôi rất vui vì các tòa tháp đã bị phá bỏ. Chúng tôi đã chiến đấu vì nó. Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là các mảnh vỡ và ô nhiễm sau khi phá dỡ” - Gaurav Malhotra, sống ở khu vực xung quanh tòa tháp đôi, nói với Arab News.
Rajiv Mehta - thư ký của hiệp hội nhà ở gần các công trình bị phá bỏ - nói rằng “thách thức là làm thế nào để ngăn chặn ô nhiễm bụi và tác động của nó đối với sức khỏe chung của người dân. Chúng tôi đã phun nước trong và xung quanh khu nhà ở".
Theo tiến sĩ Ashish Jain - chuyên gia tư vấn cấp cao về y học hô hấp tại Bệnh viện Max của Delhi - dự báo sẽ có sự gia tăng đột ngột và dữ dội về ô nhiễm trong khu vực sau khi phá dỡ.
“Chúng có thể tăng lên đáng kể và đáng lo ngại trong một thời gian ngắn” - Jain nói, bổ sung rằng không khí ô nhiễm có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, bao gồm phát ban da, dị ứng, ngứa và khó thở.
Những cư dân khác của Noida lo lắng về việc việc phá dỡ có thể ảnh hưởng đến nền móng của các công trình gần đó.
Trong khi đó, Shreyasi Singh là một trong số những người đặt câu hỏi về sự cần thiết của một cuộc phá dỡ lớn. “Tôi cảm thấy lẽ ra họ nên chuyển đổi tòa nhà thành một khu vườn đô thị. Hai tòa nhà này có thể được sửa đổi và sử dụng không gian của chúng một cách hiệu quả”.