Ấn Độ đã phát hiện mảnh vỡ của một tàu ngầm Pakistan bị đánh chìm ngoài khơi bờ biển phía đông nước này trong cuộc chiến năm 1971 giữa hai nước láng giềng, truyền thông địa phương đưa tin.
Xác tàu PNS Ghazi được xác định bởi một phương tiện cứu hộ dưới nước sâu (DSRV) của Hải quân Ấn Độ ở độ sâu khoảng 100 m, cách bờ biển phía đông đất nước khoảng 2km.
Các báo cáo lưu ý rằng, Hải quân Ấn Độ đã quyết định không làm phiền tàu ngầm vì tôn trọng những sinh mạng đã mất. Vụ chìm tàu Ghazi vào ngày 4.12.1971 được coi là một sự kiện quan trọng trong cuộc chiến kết thúc với việc Đông Pakistan lúc bấy giờ trở thành quốc gia độc lập Bangladesh. Liên Xô đứng về phía Ấn Độ trong cuộc chiến sau khi các nước ký hiệp ước “Hòa bình và Hữu nghị”, trong khi Mỹ và Anh liên kết với Pakistan.
Tàu Ghazi được điều động từ Karachi, Pakistan vào ngày 14.11.1971 và vượt qua quãng đường 4.800 km quanh bán đảo Ấn Độ để đến bờ biển Vizag, một thành phố cảng ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ. Chiếc tàu ngầm này ban đầu được chế tạo với tên gọi USS Diablo cho Hải quân Mỹ vào năm 1944 trước khi được cho Pakistan mượn vào năm 1963.
Con tàu được cho là đã được cử đi rải mìn ở bờ biển phía đông Ấn Độ và cũng nhằm mục đích phá hủy INS Vikrant, tàu sân bay đầu tiên của New Delhi. Tuy nhiên, tàu đã bị đánh chìm trước khi đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số này.
Ấn Độ cho rằng, INS Rajput, tàu khu trục hải quân do Anh chế tạo phục vụ trong Thế chiến thứ hai, đã đánh chìm tàu Ghazi. Thủy thủ đoàn của tàu khu trục Ấn Độ sau đó được vinh danh với các giải thưởng dũng cảm. Trong khi đó, Hải quân Pakistan cho rằng, tàu ngầm bị chìm do "vô tình phát nổ".
Ngoài Ghazi, DSRV của Ấn Độ cũng đã phát hiện xác một tàu ngầm Nhật Bản bị đánh chìm trong Thế chiến thứ hai.
Ngày 20.2, Ấn Độ giới thiệu hai phương tiện cứu hộ được mua trong năm 2018-2019 từ Anh cho các đại biểu của 50 quốc gia tại cuộc tập trận hải quân Milan-24, Indian Express đưa tin vào đầu tuần này.
DSRV có thể giúp xác định vị trí tàu ngầm bị hỏng, giải cứu nhân viên bị mắc kẹt và cung cấp vật tư khẩn cấp. Ấn Độ nằm trong số 12 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga, sử dụng công nghệ như vậy.