Chuyến bay của Malaysia Airlines biến mất vào ngày 8.3.2014 trong chuyến bay thường lệ từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh, Trung Quốc, với 239 người trên khoang. Cơ trưởng Zaharie Shah liên lạc lần cuối với kiểm soát không lưu vào lúc 1h19 sáng khi đang bay trên Biển Đông trước khi biến mất.
Trong những năm qua, đã có nhiều tuyên bố rằng, các mảnh vỡ máy bay MH370 đã được tìm thấy. Gần đây nhất là một tấm ván dài 1 mét được thợ săn xác MH370 Blaine Gibson tìm thấy ở thành phố Port Elizabeth, Nam Phi.
Tuy nhiên, mảnh vỡ đầu tiên được xác định chắc chắn của MH370 là một phần cánh máy bay trôi dạt vào bãi biển ở Saint-Andre, Reunion - hòn đảo phía tây Ấn Độ Dương.
Nhà báo điều tra của tờ Le Monde, Pháp - bà Florence de Changy - đã trình bày chi tiết trong cuốn sách "The Disappearing Act" tại sao nó lại thu hút sự quan tâm của bà.
Bà viết: “Reunion cách vòng cung thứ 7 (khu vực máy bay được cho là bị rơi) khoảng 3.500km. Những mảnh vỡ dạt vào bãi biển Saint-Andre ngày 29.7.2015 đã phải trôi hơn 7km/ngày theo đường thẳng từ khu vực được cho là máy bay rơi. Ngoài sự thay đổi của dòng chảy và gió, tác động của sóng và đôi khi va chạm, những mảnh vỡ này phải sống sót qua vô số cơn bão".
Bà Changy nói, bà không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Kỹ sư hàng không vũ trụ người Pháp Jean-Paul Troadec đã nói với bà rằng, thật "kinh ngạc" khi các mảnh vỡ "có thể trôi nổi rất lâu sau vụ tai nạn".
Bà giải thích: “Nó có thể cung cấp ý tưởng chính xác về những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay, tác động cuối cùng lên máy bay, chẳng hạn nó hạ cánh kiểu nụ hôn, hạ cánh bằng mũi hoặc bị nổ".
Nếu máy bay bổ nhào xuống, các phần phụ của nó có thể bị bung ra khi rơi và đập xuống nước với lực ít hơn nhiều so với khi chúng vẫn còn dính vào thân máy bay tại thời điểm va chạm.
Sau khi phát hiện, cảnh sát Pháp đã tiến hành tìm kiếm các vùng biển xung quanh đảo Reunion để tìm thêm các mảnh vỡ, và tìm thấy một chiếc vali bị hư hỏng mà họ cho rằng có thể liên quan đến MH370.
Một chai nước nhãn hiệu Trung Quốc và một sản phẩm tẩy rửa của Indonesia cũng được tìm thấy trong cùng khu vực.
Vô số giả thuyết đã được đưa ra để giải thích sự mất tích bí ẩn của MH370, nhưng phân tích liên lạc tự động của máy bay với vệ tinh Inmarsat cho thấy, nó có khả năng bị rơi ở nam Ấn Độ Dương.
Sau khi tìm kiếm ròng rã 3 năm nhưng không xác định được vị trí máy bay, cơ quan phối hợp tìm kiếm chung đã ngừng hoạt động tìm kiếm vào tháng 1.2017.
Cuộc tìm kiếm MH370 thứ hai được khởi động vào tháng 1.2018 bởi nhà thầu tư nhân Ocean Infinity nhưng kết thúc trong thất bại.
Dựa vào phân tích dữ liệu từ vệ tinh Inmarsat mà máy bay liên lạc lần cuối, Cục An toàn Giao thông vận tải Australia (ATSB) cho rằng, tình trạng thiếu oxy là nguyên nhân có thể xảy ra nhất. Tuy nhiên các nhà điều tra vẫn không đồng ý về một giả thuyết nào.