Yemen
Đây là nước nghèo đói nhất trong các nước Arab, BBC dẫn lời nhà kinh tế học Arif Husain, Giám đốc Nghiên cứu, Giám sát và Đánh giá của WFP cho biết: "Xung đột kéo dài khiến ngày càng có nhiều người dễ bị tổn thương. Năm 2016 tại Yemen, chúng tôi đã hỗ trợ 3 - 4 triệu người. Ngày nay con số đó là 12 triệu".
Yemen đã báo cáo trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu tháng 4, các cơ quan viện trợ cảnh báo rằng dịch bệnh sẽ nhanh chóng áp đảo hệ thống y tế vốn yếu kém ở nước này.
Cộng hòa Dân chủ Congo
Sau hơn 1/4 thế kỷ xung đột vũ trang, Congo là nơi đã diễn ra cuộc khủng hoảng nạn đói lớn thứ hai thế giới, theo WFP.
Hơn 15% dân số của đất nước nằm trong diện "mất an ninh lương thực nghiêm trọng".
Congo có 5 triệu người di cư trong nước và hơn nửa triệu người tị nạn từ các nước láng giềng.
Đầu tháng 4, phát ngôn viên của cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, UNHCR, cảnh báo rằng bạo lực diễn ra ở Congo đang đe dọa những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở nước này, chủ yếu ảnh hưởng đến thủ đô Kinshasa.
Venezuela
Nạn đói ở Venzuela là do các khó khăn kinh tế.
Mặc dù Venezuela có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, siêu lạm phát ở nước này đã đạt 200% vào tháng 1.2019, khiến 1/3 dân số trong tình trạng cần được hỗ trợ.
Khó khăn càng được nhân lên bởi tình trạng bỏ việc đồng loạt của các nhân viên y tế, theo WFP.
Và vấn đề không dừng lại ở đó - khoảng 4,8 triệu người (chiếm 15% dân số) đã rời Venezuela trong những năm gần đây và hàng trăm nghìn trong số những người di cư này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước láng giềng.
Nam Sudan
Quốc gia trẻ nhất thế giới mới giành được độc lập từ nước láng giềng Sudan phía bắc từ 2011. Nam Sudan rơi vào xung đột bạo lực chỉ sau 2 năm độc lập.
WFP cảnh báo rằng nạn đói và suy dinh dưỡng ở Nam Sudan đang ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ năm 2011, với gần 60% dân số phải chật vật tìm kiếm thức ăn mỗi ngày.
Nạn châu chấu sa mạc quét qua Đông Phi tới Nam Sudan vào đầu năm nay càng khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Nam Sudan hiện đang ghi nhận 4 ca mắc COVID-19, song song với đó, quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ hàng đầu thế giới này cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu giảm.
Afghanistan
Afghanistan đã phải chịu đựng gần hai thập kỷ chiến tranh xung đột kể từ 2001.
18 năm sau, hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ và hơn 11 triệu người bị WFP xếp vào diện mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Chính phủ Afghanistan đã xác nhận hơn 1.000 trường hợp mắc COVID-19 trong bối cảnh đất nước này hạn chế về nguồn lực xét nghiệm và một hệ thống y tế yếu kém do bị ảnh hưởng sau nhiều thập kỉ xung đột.