Một nghiên cứu do nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn dẫn đầu cho thấy, hai mũi vaccine bất hoạt của Trung Quốc vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Delta.
Vaccine có hiệu quả tổng thể 59% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng do biến thể Delta gây ra trong đợt bùng phát ở Quảng Châu, miền nam Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Emerging Microbes & Infutions vào ngày 14.8 cho biết, hai mũi vaccine bất hoạt của Trung Quốc có hiệu quả lần lượt là 70,2% và 100% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng vừa và các triệu chứng nghiêm trọng.
Đây được cho là báo cáo dữ liệu thực tế đầu tiên về hiệu quả của vaccine bất hoạt của Trung Quốc đối với biến thể Delta.
Báo cáo dựa trên dữ liệu thực tế của 153 trường hợp đã được xác nhận và 475 người tiếp xúc gần được thu thập trong một đợt bùng phát ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, từ ngày 18.5 đến ngày 20.6, do biến thể Delta gây ra.
Báo cáo kết luận rằng, hai mũi vaccine bất hoạt của Trung Quốc vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể này.
Trong số các trường hợp được xác nhận, 105 người có các triệu chứng trung bình trong khi 16 người còn lại có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc nguy kịch. Không có bệnh nhân nào đã tiêm vaccine bị bệnh nghiêm trọng hoặc nguy kịch.
Trong số các trường hợp được tiêm chủng, 61,3% tiêm hai mũi vaccine Sinovac và 27,5% tiêm hai mũi vaccine Sinopharm. 10,4% khác được tiêm hỗn hợp vaccine của cả hai hãng.
Theo nghiên cứu, dựa trên các mẫu hạn chế, một mũi vaccine bất hoạt chỉ cho thấy 14% hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19.
72,5% người trong độ tuổi 40-59 ở Trung Quốc đã được tiêm hai mũi vaccine. Các loại vaccine này thậm chí còn hiệu quả hơn ở nữ giới so với nam giới vì nó cho thấy hiệu quả 70,4% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhẹ ở nam giới và 79,1% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng vừa phải ở phụ nữ.