100 năm ngày mất đầy oan khuất của “nữ siêu điệp viên” Mata Hari

Hương Giang |

Sinh thời, Mata Hari được xem là một nữ điệp viên tráo trở, với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, rất giỏi trong việc dùng thân xác để quyến rũ các mục tiêu là đàn ông và moi lấy những thông tin tình báo giá trị nhất từ họ để chuyển cho các quốc gia khác nhau.

Lời đồn này tiếp tục tồn tại cho tới tận ngày nay, 100 năm sau khi cô bị đưa ra pháp trường xử bắn. Nhưng liệu đó có phải là sự thật?

Cuộc sống bất hạnh

Margaretha Zelle sinh năm 1876 và ngay từ thuở nhỏ đã bộc lộ những dấu hiệu cho thấy cô sẽ trở thành một con người đặc biệt. So với chúng bạn sống ở phía Bắc Hà Lan, cô luôn nổi bật: Ngoại hình ấn tượng, tính cách mạnh mẽ, sáng dạ và đặc biệt có năng khiếu trong việc tiếp thu ngôn ngữ mới.

Một bạn học từng so sánh Margaretha như một bông hoa lan nằm giữa đám hoa cứt lợn, nói rằng cô gây chú ý còn bởi việc sở hữu làn da hơi đen trông rất lạ so với những đứa trẻ khác ở Hà Lan với làn da trắng.

Vào năm 1889, bố cô bỏ rơi gia đình để chạy theo một người đàn bà khác. Vài năm sau, mẹ đẻ là Antje Zelle qua đời khi Margaretha vừa bước vào tuổi teen.

Cái chết của mẹ khiến Margaretha, vốn đã là một đứa trẻ được cưng chiều quá mức, hoàn toàn không còn nhận được sự uốn nắn từ bất kỳ người thân nào khác.

Năm 14 tuổi, Margaretha được người thân gửi tới một ngôi trường đào tạo giáo viên, cùng thời điểm cô bắt đầu dậy thì. Chỉ hai năm sau, cô bị đuổi khỏi ngôi trường kia vì khiến vị hiệu trưởng đã có gia đình lên giường với mình.

Từ đây cô chuyển tới sống ở The Hague, thành phố đầy ắp các quan chức quản lý thuộc địa, mới trở về sau thời gian phục vụ ở Đông Ấn Hà Lan (Indonesia hiện nay). Cô đọc báo và thấy một bài quảng cáo do Đại úy Rudolf MacLeod đăng, bày tỏ nguyện vọng muốn được gặp gỡ rồi kết hôn một “cô gái với tính cách dễ chịu” nên đã liên lạc với ông này. Margaretha biết rằng nhiều quan chức thuộc địa ở Đông Ấn Hà Lan thường sống trong những ngôi nhà lớn với rất nhiều gia nhân.

“Tôi muốn được sống ung dung tự tại, như một con bướm bay dưới ánh dương”, cô nói trong một cuộc phỏng vấn sau này. Vậy là cô và vị đại úy kia đính hôn chỉ 6 ngày sau khi đôi bên gặp nhau vào tháng 7.1895, khi ấy cô mới 18 tuổi.

Tuy nhiên cuộc sống đã không diễn ra theo chiều hướng mà cô mong đợi, vì MacLeod có ít tiền, đang ngập trong nợ nần, đặc biệt là rất lăng nhăng và mắc bệnh giang mai. Năm 1902, họ ly hôn.

Lột xác ở Paris

Mất gần như tất cả mọi thứ trong thời gian quá ngắn, Margaretha quyết định biến đổi bản thân, tạo ra một hình ảnh mới của cô: Một vũ nữ múa bụng khêu gợi có tên Mata Hari.

Năm 1905 Mata Hari - cái tên trong tiếng Malay có nghĩa “ban mai” hay “con mắt của ban ngày”, tức Mặt trời - đã bước vào khung cảnh xã hội Pháp với một màn trình diễn tại bảo tàng nghệ thuật Á châu Musée Guimet nằm tại Paris. Giấy mời được gửi tới 600 người thượng lưu giàu có sống ở thành phố.

Trong buổi biểu diễn đầu tiên, Mata Hari đã trình diễn những điệu nhảy hoàn toàn mới mẻ và quyến rũ, cùng một bộ trang phục trong suốt mời gọi, phô ra một thân thể đặc biệt gợi cảm ẩn sau bộ đồ lót đính đồ trang sức và một chiếc mũ nhỏ trông vô cùng lạ mắt.

Thời ấy, một hành động phô bày thân thể táo bạo như thế có thể khiến Mata Hari bị bắt ngay lập tức vì tội có hành vi không đứng đắn. Nhưng cô đã tính toán hết sức cẩn thận để tránh rủi ro.

Tại mỗi cuộc biểu diễn, Mata Hari luôn dành ra một khoảng thời gian đủ dài để giải thích với khán giả rằng những gì mình sắp thực hiện là các điệu nhảy trong những ngôi đền thiêng ở vùng Đông Ấn. “Điệu nhảy của tôi giống như một bài thơ thiêng liêng vậy”, cô nói, “Công chúng cần phải hiểu điệu nhảy này có ba phần, mang ý nghĩa tôn vinh những đặc điểm thần thánh của Brahma, Vishnu, Shiva, đó là sáng tạo, sinh sôi và hủy diệt”... Và thế là công chúng say như điếu đổ nàng Mata Hari xinh đẹp, luôn đầy xúc cảm và nhục cảm.

Trong thời kỳ mọi người đàn ông giàu có và nhiều ảnh hưởng đều muốn có một cô nhân tình xinh đẹp ở bên, Mata Hari được thừa nhận là người phụ nữ lộng lẫy nhất, thú vị nhất và được thèm khát bậc nhất Paris. Cô đã luôn hiện diện cùng các vị quý tộc, ngoại giao, lãnh đạo tài chính, sĩ quan quân đội và doanh nhân giàu có.

Những người này thi nhau dùng tiền bạc nhung lụa để níu chân cô. Đời sống của Mata Hari vì thế mà ngập trong nhung lụa. Suốt nhiều năm trời, Mata Hari nhảy múa trong các màn trình diễn luôn cháy vé, ở gần như mọi thủ đô lớn tại Châu Âu.

Ngay cả khi Mata Hari bắt đầu già đi và sự nghiệp vũ nữ đi xuống, cô vẫn là “gái bao” được ưa thích, luôn tháp tùng bên những người đàn ông giàu có và quyền lực. Lối sống thượng lưu dần ngấm vào máu cô, chẳng hề thay đổi ngay cả khi Thế chiến thứ nhất nổ ra vào năm 1914.

Mata Hari không một chút bận tâm với việc dân thường rất ghét đời sống xa xỉ của cô, trong bối cảnh nhiều gia đình Pháp đang phải gồng mình vật lộn với việc thiếu than sưởi ấm, quần áo và thực phẩm. Họ phải gửi những người cha, người chồng, anh trai và con trai vào cối xay thịt của chiến tranh, trong khi cô vẫn ung dung một cuộc sống tiện nghi và đủ đầy. Mata Hari tiếp tục du lịch khắp nơi ở Châu Âu và điều này làm cô rơi vào tầm ngắm của thế giới tình báo.

Va chạm với làng tình báo

Mùa thu năm 1915, Mata Hari đã tới The Hague theo lời mời của Karl Kroemer, lãnh sự danh dự của Đức tại Amsterdam. Khi đôi bên gặp nhau, ông này đề nghị trả cho cô 20.000 franc, tương đương với 61.000 USD hiện nay, để cô làm công việc do thám cho nước Đức. Mata Hari đồng ý nhận khoản tiền, coi đó như sự đền bù cho số áo lông, nữ trang và tiền bạc mà cô bị người Đức tịch thu khi chiến tranh thế giới nổ ra. Nhưng cô không làm gián điệp Đức.

Tháng 12 năm đó, Mata Hari rời Hà Lan và lên tàu về Pháp. Khi tới thành phố cảng Folkestone nằm trên Eo biển Manche, cô cùng tất cả các hành khách đều bị một sĩ quan người Anh thẩm vấn. Dù chẳng tìm thấy dấu hiệu nghi vấn gì trên cơ thể cũng như trong hành lý, viên sĩ quan vẫn viết mấy dòng nhận xét sau: “Cô ta nói được tiếng Pháp, Anh, Italy, Hà Lan và có thể là tiếng Đức nữa. Cô ta có diện mạo xinh đẹp và táo bạo. Ăn mặc đẹp và hợp thời trang”. Viên sĩ quan kết luận về Mata Hari như sau: “Không gây nghi vấn quá mức, chỉ là tạo cảm giác không yên tâm... Cần bị cấm nhập cảnh vào Anh”.

Trở về Paris sau các chuyến đi vòng quanh Châu Âu, Mata Hari sống tại khách sạn Grand, nơi gần như chẳng bị ảnh hưởng gì từ cuộc chiến cuồng nộ đang diễn ra. Cô quá quen với việc thường xuyên được đàn ông để ý nên trong mấy ngày đầu tiên đã không nhận ra việc mình bị theo dõi.

Georges Ladoux, lãnh đạo đơn vị phản gián Deuxième Bureau mới được Bộ Chiến tranh Pháp thành lập, đã ra lệnh cho các nhân viên dưới quyền theo dõi Mata Hari, bất kể cô đang đi đâu, cho dù đó là một chuyến đi tới nhà hàng, công viên, quán trà, cửa hàng quần áo hay quán rượu đêm.

Họ mở hòm thư của Mata Hari, nghe lén các cuộc điện thoại của cô, ghi chép cẩn thận xem cô đã gặp gỡ với ai. Tuy nhiên họ không tìm thấy bằng chứng nào về việc cô đang thu thập hoặc chuyển thông tin quan trọng cho gián điệp Đức.

Năm 1916, kết quả chiến trận dường như đang khá tồi tệ với Pháp. Hai cuộc chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong Thế chiến thứ nhất, trận Verdun và Somme, chứng kiến người Pháp giằng co với người Đức suốt nhiều tháng trời. Bùn lầy, tình trạng vệ sinh kém, bệnh tật và khí độc mới được đưa vào sử dụng trong chiến tranh đã khiến hàng trăm ngàn binh lính chết hoặc chịu thương tật vĩnh viễn.

Lính Pháp rệu rã tinh thần tới mức một số không chịu tiếp tục chiến đấu. Ladoux cảm thấy rằng nếu tóm được vài gián điệp Đức, ông có thể nâng cao sĩ khí, thay đổi tình hình trên chiến trường. Và ông nghĩ ngay tới cô nàng vũ nữ người Hà Lan.

Mata Hari sao có thể biết được những toan tính sâu xa ấy. Lúc này cô đang bận rộn với các vấn đề mới của đời mình: Cô đã gặp gỡ và rồi yêu say đắm một đại úy Nga rất trẻ với nhiều chiến công có tên Vladimir de Massloff - người đang chiến đấu cho nước Pháp. Nhưng chiến tranh khốc liệt, chẳng bao lâu, chàng sĩ quan điển trai đã dính phải khí độc của quân Đức và bị mù một mắt, đối diện với khả năng mất nốt mắt còn lại về lâu dài. Bất chấp điều đó, Mata Hari vẫn sung sướng gật đầu khi Massloff ngỏ lời cầu hôn.

Sau khi lành vết thương, Massloff lại bị điều ra trận. Trong cơn say tình ái, Mata Hari đã tìm mọi cách để được ở gần người yêu. Cô tìm lời khuyên từ một nhân tình có tên Jean Hallaure, người đang làm việc cho Bộ Chiến tranh Pháp, về cách nào đó để tới gần Vittel, nơi Massloff đang đóng quân. Cô đâu biết Jean Hallaure cũng đang làm việc cho Ladoux.

Hallaure đã cấp giấy cho Mata Hari tới số 282 Boulevard Saint-Germain, nơi đặt trụ sở Cơ quan quản lý quân nhân quốc tịch nước ngoài, cũng là tòa nhà của đơn vị tình báo Deuxième Bureau. Tại đây, Ladoux nói rằng cô chỉ có thể gặp lại Massloff nếu đồng ý làm gián điệp cho Pháp. Mata Hari gật đầu không lưỡng lự, một phần còn bởi Ladoux hứa thưởng 1 triệu franc nếu cô làm tốt. Số tiền đủ để cô và Massloff sống thoải mái tới hết đời, trong tình huống anh chỉ còn là kẻ tàn phế.

Ladoux ra chỉ thị rằng Mata Hari cần phải trở lại The Hague qua ngả Tây Ban Nha và chờ ở đó để nhận lệnh tiếp. Tuy nhiên ông ta chẳng bao giờ yêu cầu cô cung cấp bất kỳ thông tin cụ thể nào, dù đôi bên đã có vài lần tiếp xúc. Ông ta cũng không đòi Mati Hari phải quyến rũ bất kỳ người đàn ông nào.

Bị nước Pháp phản bội

Khi mọi sự chuẩn bị xong xuôi, Mata Hari tìm tới Tây Ban Nha, nơi cô lên con tàu S.S. Hollandia đi về phía Hà Lan. Trên đường, con tàu bị chặn lại và các vị khách một lần nữa bị thẩm vấn tại một bến cảng do Anh kiểm soát. Việc Mata Hari từng bị xét hỏi ở Folkestone một năm trước đó khiến cô càng bị nghi ngờ. Cô bị tình báo Anh đưa tới London để thẩm vấn sâu hơn, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Cũng như lần trước, người ta chẳng tìm thấy chứng cứ phạm tội nào từ Mata Hari. Nhưng do quá sợ hãi vì bị bắt nên ngày 16.11.1916, Mata Hari thừa nhận mình là gián điệp của Pháp, được chính Ladoux tuyển mộ. Người Anh đã liên lạc với Ladoux để xác minh, nhưng ông ta chối biến việc có biết Mata Hari. Có điều ông ta đề nghị họ gửi cô trở lại Tây Ban Nha.

Người Anh về sau đã tổng kết phản ứng của Ladoux trong những dòng dưới đây: “Ông ta đã nghi ngờ cô ấy trong một thời gian dài nên giả vờ tuyển mộ, chỉ để chờ thu được bằng chứng chắc chắn, rằng cô ấy đang làm việc cho người Đức. Ông ta hẳn sẽ rất vui sướng nếu có thể kết tội cô ấy”.

Ở Madrid, Mata Hari quyết định tìm hiểu xem cô có thể moi được dạng bí mật quân sự gì ở đây. Một nhà ngoại giao Đức làm việc ở thủ đô Tây Ban Nha, Thiếu tá Arnold von Kalle, đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp và sự kiều diễm của cô. Ông ta sớm tiết lộ rằng quân Đức đang có kế hoạch đổ bộ sĩ quan, binh lính và đạn dược tới Morocco bằng tàu ngầm. Mata Hari sốt sắng muốn gửi tin này lại cho Ladoux để báo công, vì thế cô viết thư về Pháp để xin chỉ thị. Nhưng cô chẳng bao giờ nhận được câu trả lời.

Ngoài Kalle, Mata Hari còn kết thân với Đại tá Joseph Denvignes tới từ cơ quan ngoại giao Pháp ở Tây Ban Nha. Ông này rất yêu Mata Hari và luôn ghen tuông dữ dội mỗi khi cô ăn tối hay khiêu vũ cùng những người đàn ông khác. Để làm dịu bớt cơn ghen của Denvignes, Mata Hari buộc phải giải thích rằng cô đang làm việc cho Ladoux, trước khi kể hết mọi bí mật mình đã biết được từ tay sĩ quan Đức. Biết Denvignes sắp sửa trở về Paris, Mata Hari đã viết một lá thư dài, chứa đầy thông tin tình báo và đề nghị ông chuyển lại cho Ladoux.

Điều mà Mata Hari không hề biết là trong khi cô làm việc rất tích cực, từ tháng 12.1916, Ladoux lại yêu cầu giám sát mọi tín hiệu vô tuyến gửi đi từ Madrid và Berlin, thông qua một thiết bị nghe lén gắn trên tháp Eiffel. Dựa trên những bức điện thu được, ông ta tuyên bố Mata Hari là gián điệp Đức.

Khi Mata Hari trở về Pháp, trong tâm trạng vui sướng vì sẽ nhận được tiền thưởng do thu được rất nhiều tin tình báo, Ladoux đã không vồn vã tới gặp. Cuối cùng cô phải chủ động liên lạc trước, nhưng ông ta chối biến việc đã nhận được bất kỳ thứ gì về Denvignes. Cơ quan tình báo Pháp thì khẳng định họ chẳng biết Denvignes là gã quái nào.

Tới cuối tháng 1.1917, Mata Hari trở nên mất bình tĩnh. Ladoux không chỉ từ chối gặp mặt mà đã cắt luôn khoản tiền ông ta vẫn gửi cho cô. Mata Hari cũng mất liên lạc với Massloff được một thời gian nên rất lo lắng rằng anh đã bị thương trở lại. Cô cạn dần tiền bạc và đang phải chuyển tới các khách sạn ngày càng rẻ tiền ở Paris.

Thế rồi vào ngày 12.2.1917, một lệnh truy nã Mata Hari được nhà chức trách Pháp ban ra, với cáo buộc cô là gián điệp Đức. Buổi sáng tiếp theo, cô bị bắt, bị khám phòng và tịch thu hết đồ đạc cá nhân. Chứng cứ được tình báo Pháp gửi tới cơ quan công tố chống lại Mata Hari là các bức điện tín, với nội dung cho thấy cô đang làm công việc gián điệp cho nước Đức.

Mãi về sau này, người ta mới nhận ra một sự kỳ lạ nằm trong số “bằng chứng” đó: Chúng chỉ được “phát hiện” vào tháng 4.1916, chứ không phải từ tháng 12.1915 đến tháng 1.1916 - khoảng thời gian Mata Hari bị cáo buộc đã gửi tin tình báo cho người Đức. Ladoux là người duy nhất đã được đọc các bức điện gốc, trước khi chúng được giải mã và dịch lại sang tiếng Pháp. Vì một lý do bí ẩn nào đó, các bức điện gốc này đã biến mất khỏi hồ sơ lưu trữ.

Nhân vật thẩm vấn cô là Pierre Bouchardon, một điều tra viên cứng rắn, nổi tiếng vì không bao giờ thương xót các nghi phạm. Ông ta đặc biệt khinh bỉ những người phụ nữ “vô đạo đức” và nhật ký riêng của ông ta chứa đầy các nội dung thể hiện sự căm ghét sâu sắc dành cho Mata Hari.

Bouchardon giam giữ Mata Hari trong nhà tù tồi tệ nhất ở Paris là Saint-Lazare. Cô phải ngủ trong các buồng giam đầy chuột bọ, không có xà phòng để tắm gội. Khi thời gian tạm giam từ vài ngày kéo dài lên vài tháng, Mata Hari nhận ra cô đang gặp nguy hiểm thực sự. Sau 3 tháng, cô rơi vào tình trạng lo lắng tột độ và đã bắt đầu viết các bức thư xin khoan hồng. Cô van xin, gần như điên loạn, mong được gặp Massloff, nhưng chẳng thể thay đổi bất kỳ điều gì.

Ấn tượng tới phút chót

Giai đoạn tiếp theo trong bi kịch của Mata Hari bắt đầu từ ngày 24.7.1917. Cô bị khởi tố, với cáo buộc phạm 8 tội danh và bằng chứng duy nhất có sức nặng chống lại cô chính là các bức điện tín đã qua sự chỉnh sửa của Ladoux. 7 người trong ban bồi thẩm của tòa án đều là quân nhân.

Một người trong số này kể lại rằng Mata Hari bị buộc tội đã “cung cấp thông tin tình báo khiến phía Đức giết 50.000 đứa trẻ Pháp”. Con số này còn chưa tính tới những người đi trên các con tàu băng qua Địa Trung Hải bị tàu Đức phục kích bắn chìm, dựa vào tin do cô cung cấp. Dĩ nhiên, phiên tòa chẳng đưa ra được bằng chứng nào ủng hộ các cáo buộc trắng trợn này.

Mọi cáo buộc nhằm vào Mata Hari đều rất mơ hồ, không nêu rõ các bí mật cụ thể nào đã được chuyển tới cho kẻ thù. Tuy nhiên khi bàn về lối sống “vô đạo đức” của cô, vô số bằng chứng đã được đệ trình. Một viên cảnh sát được giao nhiệm vụ theo dõi Mata Hari ở Paris kể lại rằng cô chi tiêu hoang phí như thế nào và các người tình của cô thì giàu có ra sao. Ngay cả lời khai của Ladoux tại tòa, về các bức điện mà ông ta chặn được, cũng chỉ nhắc đi nhắc lại cáo buộc Mata Hari là gián điệp Đức mà không có bằng chứng cô đã gửi đi thông tin nào cụ thể.

Do bị tuyên bố có tội với cả 8 cáo buộc, tòa án đã tuyên phạt án tử hình với cô. Buổi xử bắn diễn ra trong bí mật, vào mờ sáng ngày 15.10.1917. Trong thời khắc cuối còn tồn tại trên cõi đời, Mata Hari đã có một màn trình diễn xuất sắc nhất. Cô di chuyển tới điểm hành quyết với tư thế ngẩng cao đầu, không hề mất đi sự kiều diễm cho tới phút chót.

Cô từ chối không đeo băng đen bịt mắt và cũng chẳng muốn bị buộc vào cái cột phục vụ cho cuộc xử bắn. Cô đứng đó, can đảm và kiêu hãnh, khiến viên Thượng sĩ điều khiển cuộc hành quyết cũng phải thốt lên: “Chúa ơi! Quý cô đây thật biết cách để kết thúc cuộc đời mình”.

Hương Giang
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.