Một phiên tòa đã có thể tránh được
Cuối cùng thì đó vẫn là mớ hỗn độn, sự hỗn loạn. Không thể chỉnh sửa, nhưng hoàn toàn có thể tránh được...
Chủ nhật (16.1) là ngày thế giới quần vợt đổ dồn về Australia, không phải trên court (sân) mà ở court (tòa án). Một cách chơi chữ để nói về vụ kiện tụng giữa Novak Djokovic và chính phủ Australia.
Hẳn nhiên, đây không phải chuyện vui vẻ gì, nhưng là việc làm cần thiết. Cần thiết khi đó là sự công bằng của tất cả trước pháp luật, khi cá nhân có quyền tự bảo vệ luận điểm, khi chính phủ có quyền khẳng định sức mạnh của luật.
Sự công bằng, ở đây, đã được tòa án Australia khẳng định ở phiên tòa vào thứ Hai tuần này (10.1) và xử thắng cho Djokovic, với lý do chính yếu là phía Australia đã làm sai thủ tục. Tiếp nữa, anh vẫn có quyền để “đấu tranh” ở tòa thêm một lần nữa thay vì bị trục xuất ngay lập tức.
Nhưng cũng cần công bằng lại, khi sai sót xảy ra từ phía Nole và các trợ lý, bất kể đó là vô tình hay hữu ý, anh cũng sẽ phải chấp nhận nếu tòa án tuyên chiến thắng cho Australia…
Cách chính phủ Australia dùng đến quyền lực cá nhân của Bộ trưởng Di trú để hủy visa của Djokovic, ở góc độ nào đó, có phần “nhỏ nhen”. Thế nhưng, từ khía cạnh pháp lý, nó khẳng định sự nghiêm trọng và nghiêm túc của vấn đề. Trong bối cảnh dịch bệnh - chứ không phải bình thường, khi mối nguy hiểm là thường trực thì không có ngoại lệ.
Như đã nói trên, sự hỗn loạn này hoàn toàn có thể tránh được. Từ nhiều tháng trước. Đừng quên rằng, ai là người đưa tất cả đi đến đây. Djokovic muốn thi đấu tại Australian Open nhưng lại không muốn theo luật của Australia. Anh là người tìm kiếm sự thật, nhưng không đồng hành với sự thật. Anh tìm kiếm công lý và lợi ích xã hội, trong khi vẫn bảo lưu quyền được hành xử theo ý mình.
Thế nên, trong lúc Djokovic “tạo công ăn việc làm” cho rất nhiều cơ quan chức năng của Australia, đây thực sự là một tuần tồi tệ cho chính anh. Một nhà vô địch không tiêm vaccine. Đó không phải là một hình mẫu tốt.
Thắng hay thua đều... thất bại
Như Nole nói, đó là chuyện “quyền cá nhân”, đồng ý, nhưng sự tự do đó (có thể) ảnh hưởng đến người khác, đến cộng đồng, là điều không được phép. Trên thực tế, Djokovic đã dương tính với COVID-19 nhưng vẫn tham dự các sự kiện cộng đồng. Nếu giải thích rằng, đó là khi anh “chưa biết kết quả”, thì ít nhất cũng phải hiểu rằng, đang trong chế độ chờ thì không nên có mặt ở bất kỳ đâu, ngoài nhà của mình. Mà nếu có dự sự kiện, ít nhất cũng phải có khẩu trang…
Vì thế, từ vị trí của một “nạn nhân vô tội” của hệ thống nhập cư lạnh lùng, vô diện của Australia, Djokovic trở thành vị khách nhập cảnh đang tìm cách chơi nó. Chơi trên danh tiếng của mình, để được đối xử đặc biệt. Và đó là một góc nhìn khủng khiếp, đối với đa số.
Với những ý kiến bảo vệ Djokovic, nếu coi anh là nhân vật đại diện cho cộng đồng những người phản đối vaccine, nên nhớ rằng, trong cuộc tranh luận vào thứ Bảy (15.1) trước khi diễn ra phiên tòa chính thức ngày hôm nay, không có bằng chứng nào cho thấy cộng đồng này sẽ lên tiếng hoặc tạo ra hành động nào đó nếu Djokovic rời khỏi Australia.
Giả sử, 3 thẩm phán - yếu tố được cho là tăng thêm chút hy vọng cho Djokovic vì chính phủ không thể lật lại quyết định của họ, tuyên bố chiến thắng cho anh một lần nữa, thì về cơ bản, anh vẫn là người thất bại. Thất bại trong chiến thắng của mình, vì Australian Open sẽ chào đón anh với những ánh nhìn căm ghét, thậm chí thù hận.
Là người nổi tiếng, thực tế có nhiều hành động đẹp trong cuộc sống, nhưng lần này, anh sẽ bị đặt một dấu hỏi về hình mẫu con người anh. Nole muốn gửi đi thông điệp gì? Tình yêu hay sự lây nhiễm? Dù thắng hay thua, về mặt danh tiếng, Djokovic có vẻ là người thất bại...