Novak Djokovic đã trở về Belgrade, Serbia, trong sự chào đón của người hâm mộ sau sự vụ tại Australia khiến anh không thể tham dự Australian Open năm nay. Đây là lúc tay vợt số 1 thế giới nghỉ ngơi, nhưng nó cũng có thể chỉ là khoảng lặng ngắn ngủi trước khi anh phải nghĩ về con đường phía trước.
Nói đúng ra thì tay vợt 34 tuổi sẽ không được thả lỏng đầu óc, bởi rất nhanh chóng, anh đã bị kéo vào một “cuộc chiến” khác. Sức khỏe có thể hồi phục nhưng tâm trí anh không được nghỉ. Việc Djokovic tiếp tục phản đối việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã và đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với nhiệm vụ khẳng định mình là tay vợt nam xuất sắc nhất mọi thời đại.
Nếu thi đấu ở Melbourne, Djokovic sẽ là ứng viên sáng giá nhất để giành được Grand Slam thứ 21, giúp anh vượt qua các đối thủ lớn của mình là Rafael Nadal và Roger Federer. Nhưng không chỉ tại Australia, Djokovic còn nguy cơ vắng mặt ở nhiều giải đấu ở nhiều quốc gia khác nhau, khi quy định về việc bắt buộc tiêm vaccine đã trở nên phổ biến.
Trong thời gian Nole ra tòa ở Australia, từ Pháp, Bộ trưởng thể thao nước này, bà Roxana Maracineanu, lên tiếng mở cửa chào đón anh tới French Open. “Anh ấy sẽ không tuân theo sự sắp xếp tổ chức giống như những người được tiêm chủng. Nhưng dù sao thì anh ấy cũng sẽ có thể thi đấu [tại Roland Garros] bởi vì các giao thức, bong bóng sức khỏe, cho phép điều đó”.
Thế nhưng, sau khi tòa án Australia có phán quyết về việc hủy visa của Djokovic vào Chủ nhật, cùng ngày với quốc hội Pháp thông qua các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong phòng chống dịch bệnh, quan điểm đã đảo ngược. Cánh cửa đóng lại và khiến việc bảo vệ danh hiệu Pháp mở rộng của Djokovic gặp nguy hiểm.
Từ Mỹ, không ai cần phải lên tiếng, bởi quy định và những hạn chế rất rõ ràng, chặt chẽ về tiêm phòng. Trừ khi tay vợt 34 tuổi thay đổi quan điểm, anh sẽ không thể tham dự các giải ATP ở Indian Wells và Miami vào tháng 3, đặc biệt là US Open – giải đấu mà anh thất bại vào năm ngoái.
Đến thời điểm này, Wimbledon là Grand Slam duy nhất mà Djokovic đủ điều kiện tham dự trong năm nay nếu anh vẫn chưa được tiêm chủng. Mặc dù các nhà tổ chức được hiểu là cũng không đưa ra lời đảm bảo nào về việc đó. Có thể chính phủ Anh sẽ không theo bước Australia, Pháp hay Mỹ, nhưng không thể tưởng tượng được rằng, Wimbledon có thể là giải đấu lớn duy nhất mà Djokovic thi đấu vào năm 2022.
Nếu có hy vọng nào cho Djokovic, hẳn là phải hy vọng rằng, đến mùa hè, tình hình dịch bệnh được kiểm soát và “giảm nhiệt”. Gilles Moretton, Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Pháp, nói với L'Equipe: "Các đội ngũ của chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chính quyền, những người sẽ chỉ định rõ ràng các quy tắc liên quan, về việc tiếp nhận các vận động viên nước ngoài chưa được tiêm chủng cho giải đấu của chúng tôi”.
Tại Australia, Djokovic được cấp giấy miễn trừ y tế sau khi đã dương tính với COVID-19 vào tháng 12. Thế nhưng, quyết định đó đã vấp phải sự phẫn nộ của công chúng Australia và sau đó, tay vợt 9 lần vô địch ở Melbourne bị giữ ngay khi đến đất nước này với lý do visa không hợp lệ để được cấp giấy. Sau 2 lần ra tòa, visa của Nole bị hủy, khi Bộ trưởng Di trú, Alex Hawke, dùng quyền lực cá nhân để quyết định.
Tòa án không cho rằng, Bộ trưởng và chính phủ Australia đã sai nên đã đồng tình với quyết định này. Djokovic còn bị cấm nhập cảnh Australia trong 3 năm tới. Liệu Pháp và Mỹ có muốn bị kéo vào những rắc rối tương tự?