Thuốc đỏ, thuốc tím

đỗ phấn |

Có lẽ đây là hai thứ thuốc hiếm hoi được gọi tên theo màu sắc. Thực ra thuốc đỏ có tên khoa học là mercurochrome và thuốc tím là kali permanganat. Đó là những thứ thuốc sát trùng được dùng phổ biến vào quãng nửa thế kỷ trước.

Thời chiến tranh bom đạn, lũ trẻ đến trường thường phải mang theo một túi cứu thương cá nhân. Bên trong có gói bông thấm nước, vài cuộn băng vải xô, nhiều nữa thì có thêm cuộn băng dính và không thể thiếu lọ thuốc đỏ. Tất cả những xây xát ngoài da khi vui đùa đều được bôi thuốc đỏ sát trùng chứ chẳng cứ gì thương tích do chiến tranh. Lọ thuốc đỏ lúc ấy được sản xuất trong nước và các hiệu thuốc bán tự do cho toàn dân. Lọ thuỷ tinh đầy bọt thổi thủ công ở các lò thuỷ tinh quanh thành phố. Nút làm bằng gỗ bấc tiện tròn đầu to đầu nhỏ. Người ta ấn chặt nút vào miệng lọ và đổ xi lên trên tránh chảy thuốc ra ngoài.

Kiến thức về y tế lúc ấy của toàn dân là vô cùng thấp kém. Cho nên có chuyện vui rằng y tá ở trạm xá xã đôi khi cấp cả thuốc đỏ cho những bệnh nhân bị đau bụng. Tất nhiên không thể khỏi bệnh nhưng cũng chẳng việc gì. Thuốc đỏ được dùng tràn lan và trở nên hài hước khi ai đó than phiền khám bệnh không tìm ra nguyên nhân thường bị bạn bè đùa rằng thử bôi thuốc đỏ xem sao.

Lũ trẻ không chỉ dùng thuốc đỏ vào việc sát trùng vết thương. Chúng bày ra khá nhiều trò chơi tinh nghịch bằng thuốc đỏ. Nhẹ nhàng thì dùng như một thứ mực viết giả làm bút mực đỏ cô giáo để chấm bài và ghi lời phê cho thằng bạn bên cạnh. Nặng hơn thì bôi lên mặt nhau hoặc áo quần sáng màu. Nặng nữa là làm giả cả vết thương chảy máu để xin cô cho nghỉ học đi chơi. Trẻ con nông thôn ngày ấy hình như có hệ miễn dịch tốt hơn đám trẻ thành phố về sơ tán. Mảnh chai mảnh sành cứa đứt chân tay chúng thường dùng nước bọt và đất thịt dịt vào cầm máu. Vài đứa nhai lá cây trong tầm với khi bị thương theo cách chữa truyền khẩu của dân làng cũng thành công. Chúng nhìn thấy khả năng tiềm tàng của thuốc đỏ chỉ về mặt màu sắc mà thôi.

Thuốc tím dùng phổ biến ở thành phố hơn nông thôn. Nhưng chủ yếu không dùng để sát trùng vết thương mà chỉ dùng để ngâm rau sống. Hầu như gia đình nào lúc ấy ở phố cũng có sẵn vài gói thuốc tím trong nhà. Những bún chả, riêu cua không thể thiếu món rau sống ăn kèm. Thuốc dạng bột được gói bằng loại giấy đen sì. Khi dùng chỉ cần năm bảy hạt là có ngay một chậu nước tím ngắt ngâm rau sống. Lũ trẻ thành phố rỉ tai nhau về một công dụng khác của thuốc tím. Khi pha tương đối đặc, thuốc tím cùng với nước chanh có thể tẩy được mực viết và cả chữ in nữa. Sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình chẳng may bị thầy giáo phê không hay có thể mang thuốc tím ra tẩy xoá. Nhưng phần lớn bị lộ. Bọn trẻ thường mắc đúng lỗi ấy không chỉ một lần nên không thể tẩy xoá mãi được.

Tất nhiên là còn một loại thuốc gọi tên bằng màu sắc nữa là Xanh methylen. Loại thuốc này được dùng ở khắp nông thôn, thành thị để trị bệnh chốc lở và thuỷ đậu trẻ con. Chỉ bác sĩ mới được phép cho bệnh nhân dùng. Mùa thuỷ đậu thường thấy nhiều đứa trẻ bôi khắp người lốm đốm xanh lè. Nó không phổ biến như thuốc đỏ và thuốc tím. Chẳng ai phải tích trữ nó trong nhà làm gì. Và người ta vẫn còn dùng nó cho đến tận bây giờ.

Giờ thì rất hiếm khi nhìn thấy lọ thuốc đỏ hoặc bột thuốc tím. Có đến hàng chục loại thuốc sát trùng cho riêng từng loại bệnh hoặc chấn thương không màu sắc. Nó tiện cho người dùng hơn khi không phải trưng bày vết thương hoặc bệnh tật của mình trước bàn dân thiên hạ dưới dạng sắc màu. Những sắc màu khiến người ta e sợ. Người ta cũng không còn phải quá cẩn thận về những vi khuẩn có trong rau cỏ. Trong ấy đã có những độc tố nguy hiểm hơn vi khuẩn rất nhiều. Đó là chất bón hoá học, dư lượng thuốc trừ sâu không thể nào kiểm soát nổi. Đã ăn rau sống là phải chấp nhận. Thuốc tím cũng không mấy người dùng để ngâm rau nữa. Bởi vì pha được chậu thuốc tím cho đúng với tỉ lệ 1/1000 chẳng dễ dàng gì. Nó phức tạp hơn ném vào đấy một nắm muối ăn rất nhiều và kết quả là như nhau.

Thời của thuốc đỏ, thuốc tím đã lùi xa. Nó chỉ còn loáng thoáng mờ nhạt trong trí nhớ của lớp người ngót nghét 70 tuổi mà thôi. 4.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.