1. Con phố nhỏ dẫn vào ba ngôi trường đại học, trung học danh giá nhất thành phố. Ngoài ra, còn vài trường tiểu học và mẫu giáo. Phố có tên Ngô Quyền nhưng người dân Huế vẫn quen gọi phố “Nhà Thương”.
2. Năm 1975, khu bệnh phong bị giải tán trước, đưa về một ngôi làng hẻo lánh, nằm dưới đèo Hải Vân. Nhà đất biến thành hộ tập thể của nhân viên bệnh viện, chia cho khoảng chục gia đình. Các khoa truyền nhiễm: Lao, gan, sốt rét, tâm thần giữ nguyên. Đất phố mọc lên nhà nghỉ san sát. Bệnh viện nâng cấp “quốc tế”, càng đông đúc.
Sáng sớm, trời còn nhá nhem, thân nhân thăm nuôi và bệnh nhân khỏe phóng ra đường, mua nước sôi, đường sữa, uống cà phê, ăn sáng. Học sinh, sinh viên, các phụ huynh mẫu giáo, tiểu học biến con đường nhỏ thành một “biển” người, xe. Hai bên đường san sát những hàng thuốc tây, tạp hóa, ăn uống. Người khỏe ăn để giữ sức mà chăm nom người bệnh. Người bệnh cố gắng ăn uống để chết khỏi làm “ma đói”. Do đó, hàng ăn uống chiếm một đoạn phố dài. Vừa hết buổi sáng, lại sửa soạn bữa trưa, chiều, tối.
3. Phố buôn bán đến khi đèn đường bật sáng thì nghỉ. Bệnh nhân, người thăm nuôi rút vào trong bệnh viện. Thi thoảng mới có vài bà cụ già chong đèn dầu, bán trứng lộn, chả gói, mực khô. Cánh xe ôm, xích lô thức đêm nhậu lai rai. Đằng sau các gốc cổ thụ, đèn đường hiu hắt không dọi tới. Về khuya, phố thêm âm u, những tán lá cổ thụ che khuất trăng sao. Dưới gốc cây, lập lòe những đốm lửa hương khói cô hồn. Chốc chốc, tiếng còi xe cấp cứu rú lên, xé toang không gian tịch liêu.