Khen và thưởng

Đỗ Phấn |

Cái hành vi rất mực văn minh này tưởng rằng chỉ có ở thời hiện đại của chúng ta mà không phải thế. Người Việt cổ xưa thời Đông Sơn cách chúng ta hơn 2.000 năm đã có những nghi thức khen thưởng được mô tả trên đồ đồng đương thời rồi. Đó là những lễ hội hát múa tôn vinh những con người có công với bộ tộc của mình.

Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc và xã hội phong kiến, rất nhiều hình thức thưởng phạt được nhà nước phong kiến áp dụng cho toàn dân. Phong ấp, phong vương cho những người có công lớn với đất nước. Ban thưởng cho quân lính trận mạc nơi biên thùy. Phong thần, phong thánh, phong thành hoàng cho các làng xã.

Nhiều khi chỉ một đạo sắc phong thành hoàng của vua ban thôi mà làng này có quyền tự hào hơn những làng khác. Đại khái như thành hoàng làng tôi là Đức thánh Trần đương nhiên tự hào hơn làng bạn có thành hoàng là ông Chúa Chổm. Thế nhưng làng có thành hoàng là Chúa Chổm cũng có niềm tự hào của riêng mình. “Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì/ Chúa Chổm uống rượu tì tì/ Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô” (Ca dao cổ).

Ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước Việt Nam - Dân Chủ - Cộng Hòa chúng ta đã có những cơ quan chuyên trách lo việc khen thưởng cho đồng bào chiến sĩ. Hơn 70 năm qua, tên gọi có thể thay đổi và cách thức khen thưởng thay đổi nhưng những cơ quan xét việc khen thưởng luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc.

Chẳng biết có phải bản chất của con người là thích lời khen hay không mà tình trạng khen thưởng ngày một được mở rộng ra. Mọi lĩnh vực công việc, học tập, sản xuất, chiến đấu đều có những hình thức khen thưởng từ thấp đến cao. Nhỏ nhất là các cháu học sinh mẫu giáo được phát phiếu “Bé ngoan” cuối tuần. Nhiều đứa mũi dãi thò lò khóc mếu vì tuần này không được phiếu “Bé ngoan”. Đứa khác lại bắt phụ huynh dán hàng tập phiếu lên tường nhà như một thứ đồ chơi hãnh diện.

Nhỏ không kém cái phiếu “Bé ngoan” của trẻ mẫu giáo là giấy chứng nhận “Lao động tiên tiến” hàng năm của cán bộ công nhân viên chức. Nó chỉ là tờ giấy chứng nhận đạt danh hiệu Lao động tiên tiến mà không kèm theo phần thưởng nào cả. Những năm cuối cùng của chế độ bao cấp người ta cũng bỏ không in nó ra giấy phát cho nhân viên cơ quan nữa. Chỉ ghi tên vào quyển sổ công đoàn. Phòng khi căng tin có bán thêm chiếc lốp xe đạp thì lấy ra làm căn cứ bình bầu để phân phối.

Những năm gần đây học trò đến trường vẫn còn được nhận giấy khen tùy theo học lực của mình cả năm. Phần thưởng vẫn chỉ là vài cuốn vở như hơn nửa thế kỉ trước. Nhưng khác nhau ở chỗ ngân sách dùng để thưởng là do phụ huynh đóng góp mà không phải là của nhà trường nữa. Và đã là phụ huynh đóng góp thì phần thưởng bị phân hóa thành nhiều cấp bậc, vùng miền khác nhau. Những đứa trẻ ở phố học trường điểm phụ huynh khá giả có khi phần thưởng là số vở viết dùng cả năm không hết. Nhưng ở những vùng khó khăn nhiều em chỉ được nêu tên biểu dương ngày tổng kết năm học mà chẳng có phần thưởng nào kể cả tấm giấy khen.

Đã là khen thưởng thì dĩ nhiên phải có người cho và có người nhận. Thế là sinh ra cảnh chạy vạy ở nhiều danh hiệu, cấp bậc, từ cờ luân lưu cho tới xếp hạng di tích. Những giải thưởng từ ngành nghề thường niên cho đến lớn hơn thế nhiều lần cũng không tránh khỏi nhờ vả. Người sống chạy vạy cả đời và người chết cũng “chạy” cho mình cái nghĩa trang hoành tráng... Vấn nạn này làm buồn lòng không ít những người chân chính.

Thế nhưng lại không thể bỏ qua việc khen thưởng. Nhiều khi nó không còn là chuyện khen thưởng nữa. Đại khái như tháng lương thứ 13 chẳng hạn. Nó là sự quan tâm của chủ doanh nghiệp đến nhân công của mình. Nó cũng phần nào là thứ để chứng tỏ doanh nghiệp của mình làm ăn phát đạt. Cán bộ nhà nước cũng thường có tháng lương này dưới dạng tiền thưởng. Nhiều khi khoản thưởng cuối năm không chỉ là một tháng lương mà còn lớn hơn thế. Người đi làm hình như bây giờ đã không còn quan tâm đến tờ giấy khen dù nó có được in ấn cầu kỳ và lồng khung trang trọng. Ở thành phố rất hiếm thấy ai còn treo tấm giấy khen trong nhà kể cả các cụ tổ hưu.

Người ta vẫn luôn nghĩ ra những hình thức khen thưởng dù rằng đôi khi rơi vào hoàn cảnh rất trớ trêu. Đại khái như hồi ở phố có phong trào gắn biển công nhận “Gia đình văn hóa” chẳng hạn. Một gia đình lên phường thắc mắc vì sao nhà mình không được gắn biển. Phường giải thích nhà ông có con nghiện nên không được. Ông này lập tức lý sự “Có mỗi thằng nghiện thì nó đi cải tạo rồi, còn lại là toàn những người văn hóa!”.

Nhiều cơ quan, tổ chức xét duyệt khen thưởng như thế nhưng vẫn bỏ sót khá nhiều người xứng đáng. Chẳng sao cả. Ta có thể bổ sung. Thế mới sinh ra hình thức truy tặng nếu như người tốt đã ra người thiên cổ. Thế cho nên làm người tốt chẳng bao giờ là muộn. Dù chưa được khen thưởng thì cũng có mất gì đâu...

9.2018

Đỗ Phấn
TIN LIÊN QUAN

Gió lất phất trang báo

NGÔ MAI PHONG |

Buổi sớm ngày khai trường. Trẻ con ba lô cặp sách lũ lượt đi qua cửa nhà để vòng vào lối tam cấp dẫn lên ngôi trường tiểu học trên đỉnh đồi. Chúng hớn hở leo và nói lắm như lũ chim cánh cụt.

Đi đón tương lai

NGÔ MAI PHONG |

Trên smartphone - 14h ngày 2.9, chiếc chuyên cơ chở đoàn tuyển thủ Olympic Việt Nam trở về từ ASIAD 18 vừa đáp xuống sân bay Nội Bài lại được chào đón nồng nhiệt bằng màn mưa vòi rồng và khung cảnh trước nhà ga lại bùng bùng sắc cờ màu áo hoa tươi nước mắt nụ cười của hàng nghìn người hâm mộ mọi lứa tuổi.

Nhẫn

đỗ phấn |

Không định bàn về chữ “Nhẫn” trong giáo lí nhà Phật đâu. Chữ này mỗi người có một cách bàn và hình như hơi khó hiểu. Vài ông quan ngày nay đua đòi chơi chữ Hán trong nhà còn treo cả hai chữ đối diện với nhau. Một bên là chữ “Nhẫn” bên kia là chữ “Tâm”. Đành rằng có hai chữ “Nhẫn” viết khác nhau nhưng nôm na tiếng Việt ra thì ai cũng hiểu theo nghĩa rất tệ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Gió lất phất trang báo

NGÔ MAI PHONG |

Buổi sớm ngày khai trường. Trẻ con ba lô cặp sách lũ lượt đi qua cửa nhà để vòng vào lối tam cấp dẫn lên ngôi trường tiểu học trên đỉnh đồi. Chúng hớn hở leo và nói lắm như lũ chim cánh cụt.

Đi đón tương lai

NGÔ MAI PHONG |

Trên smartphone - 14h ngày 2.9, chiếc chuyên cơ chở đoàn tuyển thủ Olympic Việt Nam trở về từ ASIAD 18 vừa đáp xuống sân bay Nội Bài lại được chào đón nồng nhiệt bằng màn mưa vòi rồng và khung cảnh trước nhà ga lại bùng bùng sắc cờ màu áo hoa tươi nước mắt nụ cười của hàng nghìn người hâm mộ mọi lứa tuổi.

Nhẫn

đỗ phấn |

Không định bàn về chữ “Nhẫn” trong giáo lí nhà Phật đâu. Chữ này mỗi người có một cách bàn và hình như hơi khó hiểu. Vài ông quan ngày nay đua đòi chơi chữ Hán trong nhà còn treo cả hai chữ đối diện với nhau. Một bên là chữ “Nhẫn” bên kia là chữ “Tâm”. Đành rằng có hai chữ “Nhẫn” viết khác nhau nhưng nôm na tiếng Việt ra thì ai cũng hiểu theo nghĩa rất tệ.