Đũa thì phải có đôi

đỗ phấn |

Ăn bốc hay ăn bằng thìa nĩa hoặc đũa thì văn minh hơn? Câu hỏi có tính nhân loại này không dễ trả lời. Vài người đi tìm nguồn gốc của đôi đũa nói rằng đó là phát minh quan trọng của cư dân lúa nước vùng Bách Việt cổ xưa. Lại còn tự hào cho rằng so với ăn bốc thì văn minh hơn nhiều. Cũng là một cách “tự sướng” mà thôi. 

Ăn bốc chắc chắn có tuổi đời cao hơn tất cả các loại dụng cụ dùng để ăn trên đời. Có những nền văn minh lớn của nhân loại như Ấn Độ, Indonesia cho đến bây giờ vẫn duy trì tục lệ ăn bốc. Đó là một thứ văn hoá bản địa có những nét đẹp riêng mà ta không hiểu nhưng cũng đừng vì thế mà coi là lạc hậu.

Châu Âu già nua dĩ nhiên là nơi phát minh ra những bộ đồ ăn bằng kim loại gồm nhiều món. Trải qua hàng nghìn năm sản xuất, những bộ đồ ăn chế tác tinh xảo đã có thể coi như tác phẩm nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra ở đây chính là phải chăng người Châu Âu sáng tạo ra bộ đồ ăn ấy ngay sau thời kì ăn bốc của tổ tiên? Tiếp theo sẽ là câu hỏi, vậy thì tại sao họ bỏ qua giai đoạn dùng đũa? Câu trả lời sẽ là rất đơn giản. Dụng cụ ăn phải phù hợp với thức ăn và cách ăn. Cầm đôi đũa mà gắp bánh mì và súp thì hẳn là “mốc mép” chẳng được miếng nào. Đôi đũa sẽ dùng để ăn miếng bít tết bò to bằng bàn tay như thế nào nếu như không mượn được chiếc kéo. Cho nên một ai đó tự hào nói rằng người Việt chỉ cần một đôi đũa mà thay được cả dao, thìa, nĩa cũng nên nghĩ lại.

Cách ăn cơm gia đình người Việt phù hợp với việc dùng đũa mặc dầu chẳng ai lạ gì nó không được vệ sinh cho lắm. Nhà gia giáo có thể dạy trẻ con lấy thức ăn ở bát chung bằng thìa nhưng không thể bắt chúng lấy rau muống luộc cũng bằng dụng cụ ấy. Trong chuyện này thì mấy anh bộ đội đã có sáng kiến từ thời đánh Pháp rồi. Câu ca dao “Muốn cho sức khoẻ bền lâu/ Ăn đũa hai đầu, nhúng bát nước sôi” cho đến bây giờ vẫn được dùng làm khẩu hiệu kẻ trên tường nhà ăn doanh trại. Bộ đội dùng đầu đũa không ăn để gắp thức ăn ở mâm chung. Kĩ thuật này học cũng dễ. Chỉ ba tháng huấn luyện là thành thạo. So với việc tập ăn bằng thìa, nĩa còn dễ hơn nhiều. Thế nhưng đã chẳng có anh lính nào còn dùng đũa hai đầu khi về nhà kể cả những anh suốt đời phục vụ trong quân ngũ. Ngồi mâm cơm nhà hoặc cơm khách mà ăn đũa hai đầu khác nào như ngầm bảo người cùng mâm không đủ trình độ vệ sinh.

Hàng nghìn năm dùng đũa cho nên người Việt còn đưa nó vào cả ca dao, tục ngữ với phép so sánh khi thì hài hước, khi thì răn dạy. “Bó đũa chọn cột cờ” nói về việc lựa chọn con người hơn kém nhau không đáng kể. “Nói năng phải có đầu có đũa” để răn dạy trẻ con biết cách trình bày vấn đề mạch lạc sáng sủa. “Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho vừa” nói về việc kén vợ thông thường. Vợ là hoa hậu, người mẫu thì có thể châm chước. “Đũa mốc lại chòi mâm son” nói về ao ước lựa chọn hôn nhân bất cân xứng về gia cảnh. Đại khái trai nghèo lại tơ tưởng con gái đại gia. “Vợ chồng như đũa có đôi” để nói về việc thương yêu đùm bọc nhau của vợ chồng như một chân lý...

Vài nghìn năm dùng đũa người Việt cũng có những sáng tạo trong việc chế tác đôi đũa của mình. Đơn giản nhất là đũa tre tự vót trẻ con ở nông thôn đứa nào cũng làm được từ khi năm sáu tuổi. Đũa con để ăn và đũa cả để xới cơm trong nồi. Vót nhẵn và dùng phôi tre vừa vót ra để chuốt lại cho trơn. Nhà giàu dùng đũa tre sơn son bằng sơn ta phải qua công đoạn ủ khô và mài bóng rất cầu kỳ. Giàu nữa thì dùng đũa làm bằng ngà voi chạm trổ tinh vi trên cán đũa. Vua chúa dùng đũa bạc, đũa vàng như một món đồ kim hoàn tinh xảo. Nhưng thực ra chỉ có đôi đũa tre mộc mạc là an toàn nhất khi dùng. Đũa ngà mà gắp thịt gà chặt to có ngày mất ăn.

Khi dụng cụ nấu ăn có những thay đổi thì đôi đũa vẫn luôn được dùng như một công cụ chủ lực. Đó là bởi món ăn của người Việt rất cần đến đũa khi chế biến. Xào rau, rán đậu, rang lạc, nêm nếm mắm muối không gì tiện bằng đôi đũa. Bây giờ có thể dùng chiếc thìa chống dính để múc cơm từ nồi điện nên bớt đi được đôi đũa cả nhưng vớt rau luộc vẫn không thể dùng thìa. Rất nhiều món hàng ở chợ cũng phải dùng đũa để bán cho khách. Duy nhất có bà bán xôi xéo là dùng đến một đôi rưỡi đũa để xới. Và những phở, những bún, những miến, những mì nếu không có đũa thì chẳng thể nấu và cũng không thể ăn.

Đôi đũa đi theo người Việt có lẽ là lâu bền đến suốt đời. Ở nhà dùng đũa chung, sống tập thể mỗi người một đôi riêng. Kể từ lúc biết cầm đôi đũa cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn đôi đũa ấy vót thành hoa tre cắm lên bát cơm quả trứng. Đến lúc lên bàn thờ vẫn ngắm xuống mấy đôi đũa con cháu dâng cơm cúng ngày giỗ, tết.

Người Việt bản tính hồn hậu cũng không quá câu nệ vào việc dùng đũa. Cho nên có ca dao rằng “Thịt gà, xôi nếp, đàn bà/ Cả ba thứ ấy phải là dùng tay”. 9-2017

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.