Đèn đóm mỗi thời

đỗ phấn |

“Đèn đóm” là một danh từ để chỉ những vật thắp sáng nói chung. Từ điển của nhóm Nguyễn Như Ý giải thích đơn giản như vậy. Thế nhưng còn vô số danh từ có thêm “đuôi” là một danh từ khác rất khó lòng giải thích. Đó gần như tập quán phát ngôn của người Việt chủ yếu để cho có ngữ điệu thuận tai mà thôi. “Củi lửa” còn có thể hiểu. “Xe cộ” thì chịu.

Lịch sử văn hoá Việt Nam ghi lại nhiều tấm gương hiếu học từ xa xưa với tên tuổi lừng lẫy của các danh nhân. Từ Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền cho đến Bùi Xương Trạch, Nguyễn Huy Tốn. Các cụ đều có chung một truyền thuyết. Đó là nhà nghèo hiếu học không có tiền mua dầu thắp đèn. Hàng đêm phải bắt con đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn đọc sách. Có những dị bản cho rằng bỏ đom đóm vào túi vải. Cả hai món đồ đựng đom đóm này khiến người Việt bây giờ không thể mường tượng được. Truyền thuyết này gặp phải một trở ngại là đom đóm chỉ bay ra vào mùa hè. Vậy là lại sinh ra thêm một truyền thuyết nữa. Mùa đông, các cụ sẽ thắp hương lên để lấy ánh sáng mà học. Cách chiếu sáng này hình như cũng chỉ tồn tại đến khoảng đầu thế kỷ trước. Và tất nhiên cũng là truyền thuyết do vài người kể lại. Chẳng sách vở nào ghi chép rõ ràng.

Đô thị là nơi tiếp cận với văn minh sớm nhất. Khi mà Hà Nội đã có đèn điện thắp sáng thì đa số các vùng thôn quê vẫn trong cảnh đèn dầu. “Điện đóm” ở Hà Nội những năm ’60 thế kỉ trước cũng mới chỉ đạt được khái niệm là đèn điện mà thôi. Mỗi nhà thường chỉ có duy nhất một bóng đèn sợi tóc 60w thắp sáng. Khá giả hơn có thêm chiếc quạt máy. Cả một số nhà chỉ có một đồng hồ đo điện. Sáu bảy hộ gia đình sống trong số nhà ấy chia đều tiền điện nộp cho nhà nước. Tất nhiên sinh ra chuyện cãi cọ vì không công bằng. Thắp một bóng đèn thì hàng xóm có thể kiểm soát được. Nhưng đêm đến lôi hai chiếc quạt máy trong tủ ra dùng lúc đã tắt đèn thì chẳng ai biết được. Đầu những năm ’70 có phong trào tách công tơ điện cho từng hộ gia đình. Phải quen biết chạy chọt mới nên việc. Đám lừa đảo đánh hơi thấy nhu cầu ấy cũng ra sức tìm đến các gia đình gạ gẫm mắc công tơ điện riêng. Nhiều người bị lừa mất tiền mà công tơ điện chẳng thấy đâu.

Đó là thời kì Hà Nội không chỉ thiếu dụng cụ thắp sáng. Nguồn điện lưới cũng không đủ cung cấp cho sinh hoạt phố phường. Người ta buộc phải cắt điện luân phiên ở những khu phố không có nhiều cơ quan nhà nước đóng giữ. Khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào nằm trong diện ấy dù rằng nó ở trung tâm quận Hoàn Kiếm. Nhiều tối đi qua chỉ thấy le lói ánh đèn dầu bên trong những cánh cửa khép hờ. Lúc ấy hệ thống điện chưa được thiết kế điều khiển phân cấp như bây giờ. Đã cắt điện là cả đèn đường cũng tắt. Cả khu phố chỉ còn mỗi cái loa truyền thanh Hà Nội rỉ rả kêu để chứng tỏ nơi đây không phải thôn quê.

Thiếu điện sinh ra tiết kiệm một cách tự giác. Ngọn đèn duy nhất trong nhà thường được tắt đúng giờ. Nó làm cho cả nhà có chung một thời gian biểu mà noi theo. Đồ điện cũng vì thế mà bền vững. Cái quạt máy và bóng đèn dùng hàng chục năm chưa hỏng. Rất may thời kì này dân phố chuyển sang dùng chất đốt là dầu hoả nên rất sẵn dầu thắp sáng. Nhà nào cũng có ít nhất vài chiếc đèn dầu gò hàn bằng vỏ hộp sắt tây cũ mua trên phố Hàng Thiếc. Những lò thổi thuỷ tinh quanh thành phố mở mang sản xuất phát đạt không ngờ. Người ta tiêu thụ một lượng “thông phong” đèn dầu khổng lồ hàng tháng.

Như để “truy lĩnh” cho những năm dài tối tăm thiếu điện và phương tiện thắp sáng. Bây giờ ta thấy đèn điện được thắp sáng không lý do có khi còn nhiều hơn những ngọn đèn được thắp lên vì công việc. Từ trên cao nhìn xuống thành phố sẽ bắt gặp đầu tiên là những ngôi nhà cao tầng với tên gọi được thắp sáng bằng đèn màu. Cùng với nó là logo đèn huỳnh quang nhấp nháy và những dây đèn chạy theo nhịp điệu bao bọc khắp toà nhà. Những dịp lễ tết đôi khi là cả một mặt tiền toà nhà được lắp đèn trang trí với những hình ảnh và chữ viết chuyển động được lập trình sẵn chạy suốt đêm.

Mọi cửa hàng cửa hiệu từ tư nhân cho đến nhà nước hầu như đều dùng đèn màu làm biển hiệu. Những đèn màu này thắp sáng suốt đêm ngày. Nhiều khi sáng cả lúc đã đóng cửa. Khái niệm về một thành phố không ngủ dần hình thành. Những công trường xây dựng sáng đèn suốt đêm với những đèn pha cần cẩu dọc ngang kèm theo đèn đóm rực sáng trên mặt đất. Những con phố lớn liên tiếp mọc ra những cổng chào chăng đèn kết hoa ngang đường. Ngạc nhiên ở chỗ cứ đi vài chục mét lại gặp một cái cổng chào y như thế. Nó làm cho người đi đường mất khái niệm về không gian đã đi qua. Và nguy hiểm hơn, nó bào mòn thẩm mĩ bằng những sặc sỡ sắc màu và diêm dúa hoa hoét.

Những cây cối trên phố vài năm trước thỉnh thoảng mắc đèn như sao tua rua thì bây giờ có khi là cả một đoạn phố “tua rua” như vậy. Đèn mắc mọi nơi mọi chỗ và mọi lúc. Đến cái công tơ điện treo ngoài cột cũng lập loè đèn đỏ quanh năm chẳng hiểu để làm gì. Và ngay cả cái công tắc điện để bật đèn bây giờ cũng có một ngọn đèn đỏ bé tí sáng quanh năm.

Đèn đóm thời nay là thế. Lâu lắm chẳng nghe thấy mệnh lệnh “tắt đèn đi!”. Kể cũng nhớ!

2.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Sau những giấc mơ đường

di li |

Kỷ nguyên này có lẽ là thời đại sợ bánh kẹo. Người lớn ớn kẹo ngọt đã đành, trẻ em cũng thờ ơ nốt.

Nơi mùa xuân bắt đầu

ĐỨC LỘC |

Ông chủ trọ cũ của tôi là một người kỳ dị. Ông lùn, bụng phệ, ngoại ngũ tuần, giọng nửa Bắc nửa Nam, mặc dù gốc gác của ông là người miền Trung.

Tượng thần, thần tượng

TUYỀN LINH |

Mặc cho mấy thằng bé con bé lũn chũn chạy tới ôm chân, sờ mũi giày, rồi chạy ngược về ôm chầm cha mẹ cười khanh khách, thằng bé ở tuổi gọi chị bằng bà tạo dáng tượng nhũ tạo hình ca sĩ thời thượng đang là thần tượng của bọn trẻ choai với câu hát đại loại “em đi xa quá, em đi xa anh quá” vẫn thẳng lưng giữ nguyên tư thế mắt không hề chớp.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Sau những giấc mơ đường

di li |

Kỷ nguyên này có lẽ là thời đại sợ bánh kẹo. Người lớn ớn kẹo ngọt đã đành, trẻ em cũng thờ ơ nốt.

Nơi mùa xuân bắt đầu

ĐỨC LỘC |

Ông chủ trọ cũ của tôi là một người kỳ dị. Ông lùn, bụng phệ, ngoại ngũ tuần, giọng nửa Bắc nửa Nam, mặc dù gốc gác của ông là người miền Trung.

Tượng thần, thần tượng

TUYỀN LINH |

Mặc cho mấy thằng bé con bé lũn chũn chạy tới ôm chân, sờ mũi giày, rồi chạy ngược về ôm chầm cha mẹ cười khanh khách, thằng bé ở tuổi gọi chị bằng bà tạo dáng tượng nhũ tạo hình ca sĩ thời thượng đang là thần tượng của bọn trẻ choai với câu hát đại loại “em đi xa quá, em đi xa anh quá” vẫn thẳng lưng giữ nguyên tư thế mắt không hề chớp.