Chụp ảnh đón xuân

đỗ phấn |

Thật ngạc nhiên tấm ảnh dương bản đầu tiên trên thế giới vừa mới ra đời ở Pháp vào năm 1835 thì sau đó chỉ 34 năm người Việt đã có hiệu ảnh đầu tiên của mình. Đó là hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường do tiến sĩ Đặng Huy Trứ mở ở phố Thanh Hà - Hà Nội vào năm 1869.

Tiến sĩ Đặng Huy Trứ làm quan ngự sử triều vua Tự Đức nhà Nguyễn, cũng là người có công dịch nhiều sách chữ Pháp ra chữ Hán để phổ cập trong nước. Ông cũng là người Việt đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu từ phương Tây vào Việt Nam. 

Chắc chắn chiếc máy ảnh của hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường lúc ấy còn ở dạng hộp gỗ rất thô sơ. Bởi vì cho đến tận năm 1888 hãng Eastman Dry Play and Film mới cho ra đời chiếc máy ảnh nạp sẵn phim có thể mang đi dã ngoại. Cho nên nói đến chụp ảnh ở Hà Nội những ngày đầu tiên có máy ảnh là chụp ở trong nhà với chiếc máy đặt cố định và ánh sáng nhân tạo.

Tiếp theo cụ Đặng Huy Trứ là các nghệ nhân ở làng Lai Xá - Hoài Đức đua nhau mở hiệu ảnh trên toàn cõi Việt Nam. Bắt đầu là hiệu ảnh Khánh Ký trên phố Hàng Da do ông Nguyễn Đình Khánh mở năm 1892. Thời Pháp thuộc Hà Nội chính là nơi có hoạt động nhiếp ảnh nhộn nhịp nhất nước. Sau tiếp quản 1954 vẫn thấy rất nhiều hiệu ảnh trên các phố Hàng Gai, Hàng Bông, Lương Văn Can, Hàng Khay, Hàng Bài.

Người Hà Nội những năm 1950 cho đến năm 1964 có thói quen chụp ảnh đón xuân vào dịp trước Tết Nguyên đán. Cả nhà ăn mặc đẹp đẽ đi bộ ra phố Hàng Khay đến hiệu ảnh Quốc Tế hoặc Phương Đông chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm. Phụ nữ áo dài, đàn ông comple, trẻ con quần áo mới. Những đứa trẻ thường được cho đi cắt tóc trước khi chụp ảnh.

Sau tấm ảnh chụp chung cả nhà là những tấm ảnh chụp riêng từng người. Hậu cảnh là tranh phong cảnh Tháp Rùa Hồ Gươm do các hoạ sĩ rạp chiếu bóng vẽ màu như ảnh thật. Tất nhiên lúc ấy chỉ chụp ảnh đen trắng mà thôi. Máy ảnh vẫn là chiếc máy to kềnh càng đứng trên giá đỡ ba chân. Có tấm vải đen phủ phía sau cho ông thợ chui đầu vào hí hoáy trong ấy.

Lũ trẻ khoái nhất động tác dỗ dành sắp đặt của ông thợ ảnh. Đầu tiên bao giờ cũng có màn chải đầu bằng nước thơm cho mái tóc bóng nhẫy. Động tác chải đầu của ông ấy vô cùng nắn nót nhẹ nhàng chứ không như ông thợ cắt tóc vừa liến thoắng vừa lia chiếc lược nhôm cùn hết răng trông rất sợ.

Ngày tết đông khách, hiệu ảnh trả ảnh cho khách đến tận gần giao thừa. Trẻ con háo hức chờ người lớn đi lấy ảnh về. Những tấm ảnh bóng bẩy cắt mép hình răng cưa được dán vào album gia đình nối tiếp những năm trước. Nước ảnh đen trắng thời ấy cực bền. Có người giữ nó hàng sáu bảy chục năm vẫn tốt.

Những năm chiến tranh phá hoại, chiếc máy ảnh đã tương đối phổ biến ở Hà Nội. Ngoài máy móc còn lại từ thời Pháp thuộc đã bắt đầu xuất hiện máy ảnh của khối Đông Âu được du học sinh mang về. Những nhãn hiệu Praktica, Zenit trở nên quen thuộc.

Người ta mang nó theo về các vùng sơ tán chụp thuê cho các gia đình. Vài gia đình cũng tự sắm máy ảnh mang ra chụp cho cả nhà vào dịp Tết. Tất nhiên tay nghề kém nên rất tốn phim. Có câu chuyện vui ngày ấy là ghét ai thì cứ tặng cho người ấy chiếc máy ảnh. Nó sẽ làm nhiệm vụ đốt tiền tráng phim và in ảnh rất âm thầm nhưng thiệt hại vô cùng to lớn.

Ảnh màu phải đợi đến năm 1972 mới bắt đầu lác đác xuất hiện. Thế nhưng nhu cầu có một tấm ảnh màu thì đã từ rất lâu. Hiệu ảnh là nơi nhận tô màu các tấm ảnh đen trắng thành ra ảnh màu. Tuỳ tay khéo tay vụng của ông thợ mà khách có được tấm ảnh ưng ý hay không.

Thực ra thì các ông thợ tô màu ảnh cũng có chút kiến thức về tâm lý khách hàng. Loại khách nào thì cần tô xanh đỏ loè loẹt và loại nào thì cần phơn phớt gợi sắc. Họ chỉ cần nhìn tấm ảnh là biết. Nhà văn Trần Dần đã nhiều năm phải kiếm sống bằng nghề tô màu ảnh như thế. Rất may ông là người có ý chí phi thường cho nên vẫn để lại một di cảo văn chương đồ sộ cho chúng ta hôm nay.

Chụp ảnh bây giờ là một hoạt động không thể thiếu của lớp trẻ và già. Lớp trung tuổi bận bịu cũng thường mua những chiếc máy đắt tiền để dùng vào những dịp du lịch gia đình. Đám thanh niên có sẵn điện thoại trong tay mỗi ngày chụp vài chục bức ảnh là thường. Chỉ để up lên facebook chơi mà thôi. Chụp từ ăn sáng, cà phê cho đến tận lúc chui vào chăn vẫn còn cố ngóc đầu dậy chụp nốt đôi chân thò ra mới yên tâm đi ngủ khi đã đếm đủ các ngón.

Các thiếu nữ dùng chế độ selfie trên điện thoại như một chiếc gương để chấn chỉnh nhan sắc ngoài đường. Ảnh chụp nhiều như thế nên phần lớn lưu lại bằng file trong máy tính. Nếu đem in tất cả ảnh ra thì chắc thu nhập phải cỡ đại gia bất động sản mới đủ tiền chi phí. Các cụ già tổ hưu chụp ảnh bạn bè rồi cặm cụi mang đến minilab in ra ảnh giấy mang tặng bạn cũng hãn hữu.

Có cụ ông chụp ảnh cho bà bạn ở tổ hưu. Khi tặng ảnh bà ấy cứ thắc mắc sao tìm mãi không thấy ông đâu? Thế là đâm ra mất mặn mất nhạt mấy ngày liền. 2.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Sài Gòn nè, Sài Gòn…

TUYỀN LINH |

1. Hai nồi bánh trên hai bếp lò cháy bừng bừng ven rạch đêm 29 Tết. Cả chục năm nay, khu dân cư này mới có người nổi lửa nấu bánh tết.

Người đàn bà nhậu

CHÂU TƯỜNG |

Chạng vạng tối, bác hàng xóm bên nhà bỗng gào lên với tất cả sự giận dữ: “Đồ đàn bà hư, thằng nhỏ bệnh nằm sốt mê man mà mày còn đi nhậu. Trời ơi!”.

Kết nối thời gian

tạ duy anh |

Hoàn toàn do tình cờ mà tôi đặt chân vào một quán nước kiêm cửa hàng tạp hóa nhỏ ở nơi giữa cánh đồng. Khách đi đường, đủ loại, chủ yếu là dân buôn bán vặt, chở hàng thuê, cửu vạn... vẫn thường nghỉ chân uống nước trà, ăn vài cái kẹo lạc, mua vài thứ đồ cần thiết trước khi tiếp tục công việc. 

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Sài Gòn nè, Sài Gòn…

TUYỀN LINH |

1. Hai nồi bánh trên hai bếp lò cháy bừng bừng ven rạch đêm 29 Tết. Cả chục năm nay, khu dân cư này mới có người nổi lửa nấu bánh tết.

Người đàn bà nhậu

CHÂU TƯỜNG |

Chạng vạng tối, bác hàng xóm bên nhà bỗng gào lên với tất cả sự giận dữ: “Đồ đàn bà hư, thằng nhỏ bệnh nằm sốt mê man mà mày còn đi nhậu. Trời ơi!”.

Kết nối thời gian

tạ duy anh |

Hoàn toàn do tình cờ mà tôi đặt chân vào một quán nước kiêm cửa hàng tạp hóa nhỏ ở nơi giữa cánh đồng. Khách đi đường, đủ loại, chủ yếu là dân buôn bán vặt, chở hàng thuê, cửu vạn... vẫn thường nghỉ chân uống nước trà, ăn vài cái kẹo lạc, mua vài thứ đồ cần thiết trước khi tiếp tục công việc.