Ăn mặc theo thời

đỗ phấn |

Chẳng có từ điển nào giải thích cho ta rõ nghĩa của chữ “ăn mặc”. Đại khái chỉ nói đó là một động từ chỉ sự mặc áo, quần nói chung. Kể ra thì cũng hơi khó nghĩ. “Mặc” đã là động từ đủ để đặt mọi câu đúng ngữ pháp tiếng Việt rồi. Thêm chữ “ăn” thì không hẳn thế. Chẳng lẽ lại bảo trẻ con “Ăn mặc quần áo nhanh lên còn đến trường”?
Thiếu nữ Hà Nội với áo dài Le mur (ảnh tư liệu)
Thiếu nữ Hà Nội với áo dài Le mur (ảnh tư liệu)

Chữ “ăn mặc” thực ra bao quát hơn thế nhiều. Nó cũng không hoàn toàn là một động từ. Nó nói về tính chất toàn bộ trang phục của một người trước mắt bàn dân thiên hạ. “Ăn mặc nhếch nhác”, “Ăn mặc sang trọng”, “Ăn mặc kín đáo”, “Ăn mặc khêu gợi”... Ăn mặc có thời của nó. Ta hay quen gọi theo chữ Pháp là mốt (mode). Dĩ nhiên chữ “mốt” nói về cả những cách tân và phục cổ của y phục theo các thời mà người ta ưa chuộng.

Nửa đầu thế kỷ trước ta thấy thị dân Hà Nội có cách ăn mặc khác hẳn bây giờ. Tầng lớp cao quý quan lại, doanh nhân nam có áo the khăn xếp. Kèm theo nó là chiếc ô lục soạn và giày da. Đàn bà con gái có áo dài quần trắng kể từ khi họa sĩ Cát Tường thiết kế ra nó vào đầu những năm 1930. Gọi là áo dài Le mur. Họa sĩ Lê Phổ hoàn thiện nó vào năm 1934 dựa trên cảm hứng phối hợp áo tứ thân phụ nữ Việt với váy đầm phương tây gần giống như áo dài ngày nay chúng ta thấy.

Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đàn ông Việt quan tâm chăm sóc đến việc ăn mặc của phụ nữ. Tầng lớp công chức thường mặc đồ tây với quần lơ vê gấu cả dài và soóc cùng áo sơ mi bỏ trong quần. Tầng lớp lao động vẫn trung thành với y phục cổ truyền. Quần vải nâu ống xéo, áo cánh cho nam và váy vải thâm, áo tứ thân cho nữ. Cách ăn mặc này cho đến tận ngày tiếp quản Thủ Đô vẫn còn khá phổ biến. Nhất là ở khu vực chợ búa buôn bán sầm uất.

Trải qua hơn hai chục năm chiến tranh, Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc khác hầu như không có thay đổi gì nhiều trong cách ăn mặc. Có chăng chỉ là trang phục truyền thống biến mất hoàn toàn sau 1954 vài năm sau đó. Thành ngữ “Y phục xứng kỳ đức” bị lãng quên bởi cuộc vận động bình quyền với tiêu chí mọi công dân đều là chủ nhân ông của xã hội.

Đàn ông lúc này áo sơ mi, quần tây. Đàn bà không mặc váy truyền thống nữa. Thay vào đó là chiếc quần vải đen. Sang thì bằng sa tanh hoặc lụa. Bình dân thì vải mộc nhuộm đen. Áo sơ mi nữ cổ lá sen hoặc cánh bèo. Tầng lớp công nhân có đồng phục cho tất cả các ngành nghề. Binh sĩ có quân phục chung cho tất cả các quân binh chủng. Trẻ con có gì mặc nấy, chẳng có quy định trường sở nào cả. Chỉ giống nhau mỗi chiếc khăn quàng đỏ trên vai.

Nền kinh tế bao cấp phải cố gắng lắm mới cung cấp đủ cho toàn dân cách ăn mặc như vậy. Chẳng biết có phải vì thế mà nó cũng vô tình sinh ra cách cư xử lịch lãm nhún nhường. Ra đường biết mười mươi ông này bà kia cũng chỉ được hưởng chế độ tem phiếu vải như mình mà thôi. Chẳng có gì hơn để khoe khoang kênh kiệu. Tuy nhiên, họ nhìn vào cách ăn mặc cũng đoán được ai thuộc tầng lớp nào để có cách cư xử đúng mực. Công nhân ngồi quán nước chè đang tán phét vung vít nhìn thấy vài người ăn mặc có vẻ trí thức bước vào cũng lập tức xuống giọng rất ý tứ. Tầng lớp nội trợ, buôn bán nhỏ được tiêu chuẩn tem phiếu cung cấp như trẻ con gọi chung là tem phiếu nhân dân. Người bán hàng ở chợ cũng ý thức được thứ hạng “nhân dân” của mình để không bao giờ có những lời nói cử chỉ khiếm nhã với khách hàng.

Phải đến đầu thập niên 1970, cách ăn mặc của thị dân mới bắt đầu có những thay đổi. Lúc này vài anh chị du học ở các nước xã hội chủ nghĩa mang theo y phục nước sở tại về nhà. Cũng với nó là sách vở, đĩa hát có in hình thanh niên những ban nhạc nổi tiếng thế giới. Làn sóng ăn mặc theo mốt du học sinh lan rộng. Những chiếc quần ống loe tha thướt cho cả nam lẫn nữ. Những chiếc sơ mi bó chẽn mùa hè và những chiếc áo khoác hiện đại mùa đông. Tất nhiên thanh niên thành phố không thể có những thứ y phục nguyên bản trời Tây mang về như vậy. Họ tự may và biến cải đi rất nhiều. Đã có những dịp tết cả một vòng bờ hồ Hoàn Kiếm là nhan nhản những áo khoác tự may bằng vải vi ni lông ướt màu đen bóng dài kín mông. Tiếp đến những năm sau là áo lông Đức dùng chung cho tất cả các giới tính và lứa tuổi. Thực ra áo lông Đức lúc này cũng có đến non nửa là đồ tự may. Bởi vì chiếc áo thật của nó có giá đến gần chỉ vàng không hề rẻ.

Thời kỳ này cũng là lúc đám trẻ mới lớn ở phố có chiều hướng hư hỏng nghịch ngợm nhiều lên. Chúng tụ họp lại thành những hội nhóm đi đánh nhau và trấn lột của nhau. Nhưng may thay, chúng cũng thường ăn mặc giống nhau nên không khó để dân phố tránh xa. Cứ nhìn những bộ quần áo lính rộng thùng thình và chiếc mũ cối, đôi dép đúc là có thể biết.

Giờ thì Hà Nội ăn mặc đã khác trước nhiều. Chẳng có mốt nào được số đông ưa chuộng nữa. Thậm chí những người chạy theo mốt còn tự cảm thấy lạc lõng khi rất khó lòng hòa nhập được vào đám đông. Cái cốt cách ăn mặc ở nơi này là như thế. Tặng ai một chiếc áo giống của mình thì gần như họ chỉ mặc một lần đến ngồi với ta theo phép lịch sự mà thôi. Ta cũng không bao giờ dám hỏi lại khi chiếc áo ấy không thấy bạn mặc nữa.

Thế nhưng nếu có ai hỏi cách ăn mặc của người Hà Nội bây giờ như thế nào thì cũng không khó trả lời. Vẫn như xưa, nó không táo bạo hở hang bằng Sài Gòn nhưng cũng chẳng kín đáo nền nã hơn Thái Nguyên.6.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Sức mua suy giảm, tiểu thương gặp khó

Đỗ Hạnh |

Chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm khiến nhiều hộ kinh doanh tại một số trung tâm thương mại phải đóng cửa. Các tiểu thương ở nhiều chợ truyền thống cũng đang gặp khó khi sức mua của người dân giảm.

Giảm nghèo bền vững - Bài toán nan giải của địa phương

VĂN SỸ |

Những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác giảm nghèo ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song, thực tế cho thấy công tác này còn không ít hạn chế, khó khăn. Làm thế nào để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo vẫn là bài toán nan giải với hầu hết các địa phương mà Bạc Liêu là một điển hình.

Vĩnh Long: Kiểm tra 60 xe, 34 chiếc bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn

Hoàng Lộc |

Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, nội ô TP. Vĩnh Long đã phát hiện, lập biên bản, tạm giữ 34 phương tiện.

Học sinh có thể thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy từ năm lớp 11

KHÁNH AN |

Các thầy cô khuyến khích học sinh lớp 11 nên thử sức tại các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để có thêm nhiều kinh nghiệm cho kỳ thi năm cuối cấp.

Hình hài tuyển Việt Nam dưới thời ông Philippe Troussier

PHẠM ĐÌNH |

Huấn luyện viên Philippe Troussier đã triệu tập 22 cầu thủ tuyển Việt Nam tập trung vào ngày 8.3 tới.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện nếu không đủ than cho sản xuất điện

Cường Ngô |

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp than chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện và đạm trong nước.

Phong toả hiện trường, điều tra nghi án cướp tại phòng giao dịch ngân hàng ở TPHCM

ANH TÚ |

TPHCM - Nghi cướp tại phòng giao dịch của một ngân hàng trên đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, cảnh sát phong tỏa hiện trường để điều tra, làm rõ.

Gói tín dụng nhà ở 120.000 tỉ: Ai được hỗ trợ, lãi suất bao nhiêu?

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG |

Mức lãi suất thấp theo gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, dự kiến thấp hơn 1,5-2% so với mức vay thông thường của ngân hàng. Trong đó, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng chủ yếu tập trung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, tổ chức kinh tế.