Chợ quê nằm nép vào khoảnh đất bên dòng sông nhỏ. Có cây cầu bắc ngang, có con đường men lối cỏ đi vào, có sân đình rộng rãi luôn sạch sẽ tinh tươm, vài cái ghế gỗ cũ kỹ bà hàng nước trải ra mời khách. Lùi xa một chút, là hàng hóa từ gia dụng đến thức ăn thường ngày.
Từ cái ghế cũ sứt chân nơi quán nước, tôi có thể ngồi yên, thả bọn trẻ vào chợ mà không ngần ngại lo lắng. Với bọn trẻ, những món ăn hai ba ngàn, năm ngàn trong chợ, là cả một cửa hàng ẩm thực thú vị. Cầm trong tay tờ hai mươi ngàn, chúng luôn biết cách để có một bữa sáng no nê đầy đủ, lại còn dư ra ít tiền, sà vào chỗ bán “lung tung” của người mệ già.
Món đồ chơi quê xưa kiểu như con quay, chỉ một mẩu giấy xanh đỏ dán bít vào cái trống bé tẹo bằng ngón tay cái, luồn vào trong một sợi dây cước rồi quấn quanh tay cầm dài bằng chiếc đũa. Thêm thứ keo bí mật nào đó của người già làm được, quyện lại.
Khi bọn trẻ cầm quay tít mù trong không khí, âm thanh u u phát ra, như tiếng ve kêu, như thứ tiếng lạ lùng nào đó mà “bọn người lớn” chúng ta không thể hiểu. Nhưng bọn trẻ con lại thích thú cười váng lên, tiếng cười trong veo dội vào đôi mắt già nua của người mệ già nhiều nếp nhăn, neo lại đó, lấp lóa trong phiên chợ trưa dần.
Thường mỗi buổi chợ như thế, tôi không nhớ bằng cách nào, đã xách về bao nhiêu thứ. Mớ rau tập tàng cô bé nhỏ xíu hái ở góc vườn, nải chuối tiêu người mệ già “dú” cách đó mấy ngày cho kịp buổi chợ. Con gà thả vườn chắc thịt, chị gái vừa làm sáng nay. Chục trứng gà, trứng vịt… lít nhít đủ thứ thực phẩm cho một tuần.
Vừa bán mua, vừa trò chuyện, tôi còn biết thêm bà già hay ngồi nướng thịt giúp cô con gái bán bún thịt nướng vừa đi viện tuần trước. Không ghé thăm được, xin phép gửi ít nhiều “nhờ chị mua sữa gửi mệ giúp em”. Xế trưa, chợ vãn, nắng lên dọi xiên xuống đọt lá đa tãi giữa sân đình, “ Mẹ con thong thả dan tay ra về”, như những kẻ nhàn du vừa tản bộ đâu đó.
Từ khi nào, lũ trẻ của tôi cũng thích mẹ đưa vào chợ, để được nghe lao xao thật nhiều âm vui. Đó là nơi nhịp sống bình dân hòa vào cuộc đời mình. Chứ phải đâu, chợ đời chỉ đơn thuần là bán bán, mua mua.