Phóng sự: Điểm trường đảo Vũng Ngán “đói” điện, “khát” nước

Nhiệt Băng |

Giữa trưa nóng bức, hơn 40 học sinh điểm trường đảo Vũng Ngán (trường mầm non Vĩnh Nguyên 2, TP Nha Trang, Khánh Hòa) sau nhiều giờ say sưa vẽ, viết, nhảy, múa ướt đẫm mồ hôi - ngồi chụm đầu trước chiếc quạt tự chế tí tẹo chạy bằng ắc-quy. Không cảm nhận được gió, vài em ngồi sau nhao lên trước quạt: Bạn ơi, xích ra cho mình mát tí... "Nhiều năm rồi, trưa nào cũng thế anh ạ" - cô Đồng Thị Ngọc Hòa (SN 1992, quê TP Nha Trang) tâm sự.
Ký ức gieo chữ

Còn trẻ, chưa lập gia đình và muốn cống hiến cho giáo dục, Hòa quyết định gắn bó với điểm trường đảo Vũng Ngán hơn 2 năm nay. Đồng nghiệp Nguyễn Thị Dung (SN 1992, quê Đắk Lắk) cũng thế, chỉ "khác lọ cùng nước" là "ở núi mà thích biển". "Em yêu đảo từ khi còn học ở trường cơ, ban đầu gia đình em cũng phản đối dữ lắm, bảo con gái yếu mềm mà "điên khùng" ra đảo chi vậy. Thế nhưng, em vẫn "bảo toàn" quan điểm của mình. Ở đâu túng thiếu mà vui lắm anh à" - Dung cười. Không ít giáo viên đã từng đến với hòn đảo này nhưng họ không đủ kiên trì, bình tâm bám trụ như Hòa, Dung. Hòa chia sẻ, ngày đặt chân ra đảo, em thật sự rất ngán ngại trước nơi mình chọn gieo chữ. Gọi đây là trường thì có lẽ không phải lắm, mà đúng hơn là "trại" học vì cơ sở quá thảm hại. Mái che là cót đan lốm đốm lỗ thủng, nền đất hục hang, bốn bề trống hoác, không cửa ngõ. "Ngày nắng ngửa mặt nhìn thấy trời, ngày mưa cô trò lấy thau hứng nước. Các em phải bắc ghế nọ qua ghế kia bằng ván để tránh nước mưa. Khiếp nhất là sáng nào tụi em cũng phải dọn phân chó, mèo, gia súc đêm xuống vào ngủ và thải ra. Chỗ ngủ, nghỉ cho giáo viên cũng không có. Tối đến, tụi em phải mượn nhà dân thắp đèn dầu soạn giáo án. Đó là chưa kể công tác vận động học sinh đến trường vì phụ huynh miền biển khi ấy cũng chưa quan tâm lắm đến con chữ, tương lai của con em mình" - cô Hòa kể. Khó là vậy nhưng các cô vẫn không quay lưng với sự học nơi này. Không ồn ào, đua chen, khoảng cách như ở phố, người dân trên đảo trong mắt Hòa, Dung rất thân thương và gần gũi. "Tụi em được họ tạo điều kiện cho ở nhờ, nấu ăn nhờ. Có con cá, con tôm đi biển đánh bắt được, họ cũng mang biếu. Cuộc sống ở đảo mang lại cho tụi em trải nghiệm thú vị và tụi em luôn trân quý vì điều đó" - Hòa xúc động nói.

"Đói" điện và "khát" nước

Năm học 2004-2015, niềm vui nho nhỏ đã đến với cô trò ở điểm trường đảo Vũng Ngán. "Trại" học được TP Nha Trang quan tâm, thay thế bằng một phòng học rộng 78m2 khang trang, sạch đẹp. Hệ thống quạt, máy tính, ti vi... cũng được trang bị phục vụ nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đảo. Nhưng niềm vui ấy như ngọn nến, lóe lên rồi tắt lịm. Đảo Vũng Ngán cách đất liền chừng 7km với khoảng gần 1.000 dân sinh sống. Nhờ phát triển kinh tế biển, đời sống người dân dần đổi thay nhưng vẫn còn khó khăn vì "đói" điện. Hệ thống điện ở đảo chưa thể kéo điện Nhà nước mà do đơn vị tư nhân cung ứng, không có điện vào ban ngày. Ánh điện ở đảo chỉ bừng sáng trong vòng vài tiếng đồng hồ (từ 17h-21h) rồi nhường chỗ cho ánh điện máy nổ lu mờ hoặc chiếc đèn dầu leo lắt. Điểm trường đảo Vĩnh Nguyên 2 dĩ nhiên phải sống chung thực cảnh ấy. Thiết bị sử dụng điện được đầu tư, trang bị gần như chỉ để...ngắm. Để giữ điện sử dụng ban ngày, tối lại, cô trò điểm trường phải tranh thủ sạc điện vào chiếc bình ắc-quy 12V-150Ah. Cô Dung kể: "Sáng ra, tụi em dùng vài tiếng là hết. Mà tụi em tiết kiệm hết sức, chỉ chủ yếu cho chạy chiếc quạt tự chế tí tẹo 12KW đặt ở góc phòng thôi". Hôm chúng tôi ghé thăm điểm trường, cô Hòa đang chuẩn bị dạy tiết múa. Hòa bảo: "Em cài vào máy tính sẵn một chương trình múa mẫu ở đất liền từ tuần trước để ra đây chiếu lên màn hình tivi phẳng dạy cho các em. Thế nhưng, đến giờ dạy, máy lại tắt ngấm vì không đủ điện". Thế là, cô trò phải chịu khó hát, múa "chay" toác mồ hôi hột. "Nhiều khi trong lãnh đạo ở đất liền gọi ra bảo báo cáo gấp thông tin như sĩ số, cân nặng các em hay lên tiết dạy, đăng ký chương trình này kia nhưng không có mạng internet nên tụi em đành chịu. Báo cáo đơn giản thì tụi em có thể đọc qua điện thoại, còn phức tạp buộc phải chờ đến cuối tuần lên tàu mang về đất liền" - Hòa nói. Tạm ngưng dạy lũ trẻ môn vẽ, Dung rầu rĩ bổ sung: "Đâu chỉ "đói" điện, một khối nước sinh hoạt người dân chở từ đất liền ra đảo bán hơn 100 nghìn đồng/m3. Tụi em phải tính toán lắm mới đủ trong vòng một tuần. Thế mà vẫn thiếu anh ạ. Nước hiếm đến nỗi các cháu đi tiểu từ sáng đến tối chúng em mới vệ sinh bồn cầu một lần để tiết kiệm. May mà tụi em nhờ nhà dân nấu ăn nên cũng đỡ được phần nào".

Mơ một thiết bị năng lượng mặt trời

Mỗi lần đến thăm trường, nhìn cảnh cả cô lẫn trò mặt mày đỏ bừng, ướt nhẹt mồ hôi, phụ huynh ai nấy cũng không khỏi chạnh lòng. Chị Trần Thị Lê Thu (phụ huynh cháu Võ Trần Anh Thư) nói thẳng: So với thành phố, trẻ em ở đảo có phần thiệt thòi hơn cả. "Con trẻ nào trên đất nước mình ở đâu cũng cần được quan tâm, nhưng vùng sâu, vùng xa và hải đảo cần được quan tâm hơn. Không điện, mùa hè các phải học trong điều kiện thời tiết nóng nực, mùa đông thì âm u, không thấy đâu mà viết, vẽ. Chúng tôi không mơ ước gì nhiều, chỉ mong có ánh điện cho các cô, các cháu thôi. Nếu được các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ, chúng tôi rất mừng và biết ơn" - chị Thu tỏ lòng. Nhiều lần họp hội, gặp gỡ, nhà trường thường xuyên tiếp nhận ý kiến của các phụ huynh cho con họ ở lại một buổi trưa hay bán trú vì các cháu còn nhỏ, đi lại vất vả nhưng cả hiệu trưởng, giáo viên đều bí câu trả lời. Hiệu trưởng trường mầm non Vĩnh Nguyên 2 - Lê Thị Huyền Thương cho biết, trường mầm non Vĩnh Nguyên 2 có 6 điểm trường (gồm 15 lớp học) với gần 350 cháu, trong đó có 3 điểm đảo Trí Nguyên, Bích Đầm, Vũng Ngán và 3 điểm đất liền. Riêng điểm trường Vũng Ngán có 3 giáo viên với 45 cháu là thiêt thòi hơn cả. "Trường đã làm giấy đề xuất xin trang cấp hệ thống điện năng lượng mặt trời điểm đảo Vũng Ngán gửi Liên đoàn lao động TP Nha Trang và Công đoàn Giáo dục TP nhưng chưa nhận được phản hồi" - cô Huyền Thương cho hay. Trưởng Ban công tác mặt trận tổ Vũng Ngán - ông Nguyễn Dương cho biết: "Điện thiếu nhưng phát quá sớm và ngắt cũng quá sớm. Không có điện thì dân chúng tôi xoay sở bằng các thiết bị khác nhưng điểm trường không có điện gây rất nhiều khó khăn cho các cô giáo và các cháu trong quá trình chăm sóc và giáo dục. Trong khi đó, phụ huynh thì tình thật là không có khả năng đóng góp để mua sắm trang thiết bị tạo nguồn điện". Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quyết Tiến - Chủ tịch CĐ Giáo dục TP Nha Trang lo lắng: "Với người dân vùng đảo, nhận thức về tầm quan trọng của sự học của nhiều bậc phụ huynh giờ thay đổi nhiều rồi. Họ không muốn để con họ thất học như họ đâu. Vì thế, tương lai, điểm trường đảo Vũng Ngán chắc chắn sẽ tăng lớp, tăng số cháu và tăng cả giáo viên, trong khi TP Nha Trang phải đầu tư khá nhiều công trình giáo dục ngoài các đảo nên kinh phí có phần hạn chế". Ông Tiến ước mong “hệ thống pin mặt trời phát điện giá 17 triệu đồng” mà ông đề xuất sẽ được các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức tiếp nhận và mở lòng.

Nhiệt Băng
TIN LIÊN QUAN

Xe khách đâm nhau trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Những hòn đảo Châu Âu sở hữu vẻ đẹp “cách ly” với thế giới

Thảo Phương |

Bên cạnh những địa điểm du lịch sôi động, Châu Âu còn nổi tiếng với một số hòn đảo giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên.