LD16117: Mẹ tâm thần, bố bỏ rơi, cuộc sống vô cùng khó khăn của cô sinh viên ngành Luật

KIỀU THU |

Không giống như những đứa trẻ khác nhận được sự yêu thương, chăm sóc của bố mẹ, 20 năm nay, em Trần Thị Hường (1997, Hà Nam) chưa được gặp cha. Từ khi bố bỏ rơi, mẹ Hường trở nên lẩn thẩn chuyển ra sống một mình, mấy chị em đành nhờ sự yêu thương, chăm sóc của bà ngoại đã già yếu. Chịu quá nhiều mất mát đau thương trong cuộc sống nhưng cô gái nhỏ không cam chịu trước số phận, vẫn vươn lên khẳng định mình. 12 năm trời em luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, và mới đây em mới đỗ trường Đại học Luật Hà Nội với số điểm khá cao.

“Bố muốn đi lấy vợ khác từ lúc bắt đầu biết em là con gái…”

Theo chân Hường từ Hà Nội về thăm gia đình em tại xóm 14 (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), ngôi nhà mái tranh lụp xụp với tường đất, nền đất là nơi mà mấy bà cháu vẫn sinh sống trong rất nhiều năm nay. Trong căn nhà cũng không có đồ gì giá trị ngoài chiếc xe đạp cho Hường đi học và chiếc quạt điện cơ đã hoen gỉ. Thấy cháu gái về nhà, bà mừng lắm…

4 bà cháu vẫn chen chúc sống trong ngôi nhà tranh vách đất

Bà Trần Thị Thứ - ngoại của Hường năm nay đã 83 tuổi. Lưng bà đã còng rạp xuống bởi năm tháng và sự tần tảo. Cả đời mình, bà đã vất vả nuôi hết 6 người con, rồi lại đến 3 người cháu gái.

Nghĩ về người con gái vì bị chồng bỏ rơi mà trở nên thẫn thờ, để lại 4 đứa con thơ dại cho bà chăm sóc, nuôi dưỡng, bà Thứ lại không cầm được nước mắt. Gia đình vốn đang hạnh phúc trở nên bất hạnh kể từ khi mẹ Hường sinh được 4 người con đều là con gái. Trong đó, Hường là con gái út. Khi mẹ đang mang thai Hường, biết tin thai lại là con gái, bố Hường đã có ý định lấy vợ hai để “có người cúng cơm” như anh chị em đằng nội vẫn bảo. “Em được nghe kể lại, bố muốn đi lấy vợ khác từ lúc bắt đầu biết em là con gái. Bố em bảo là phá thai đi để đẻ thêm một đứa con trai nữa. Nhưng khi xuống đến viện rồi thì viện đóng cửa nên mẹ quyết định giữ lại em” – Hường bộc bạch.

Theo như lời kể của bà thì lúc Hường bắt đầu cai sữa, ba chị của Hường chỉ 3-4 tuổi, cũng là lúc bố Hường chính thức rời nhà, bỏ lại 5 mẹ con bơ vơ. Dù đã được vợ và gia đình khuyên ngăn nhưng người đàn ông ấy vẫn quyết định dứt áo ra đi, không ai cản được. Từ đấy, mẹ Hường trở nên lẩn thẩn. Chị cả của Hường không biết lí do gì cũng uống thuốc tự tử.

Quá đau buồn vì mất con, chồng bỏ đi, lại thêm gia đình đằng nội hắt hủi, mẹ Hường quá sốc và suy sụp, bệnh của cô ngày một nặng thêm và một mình chuyển ra khu nhà cũ ngày xưa hai vợ chồng đang tích tiền xây dở để sống. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là chỗ trú mưa trú nắng. Tường chưa chát chưa sơn, vẫn còn nguyên màu gạch, đồ đạc bên trong chỉ gồm một chiếc giường xập xệ, vài ba cái xoong, nồi nấu ăn, và bức di ảnh người con gái đã mất.

“Nhiều khi bạn em hỏi em là: “Liệu mẹ và các chị của mày có ghét mày vì mày không phải là con trai nên các chị ấy mới phải chịu khổ như bây giờ không?”. Em cũng tủi thân lắm rồi về hỏi lại chị mình như thế. Nhưng các chị luôn động viên em, bảo là không bao giờ nghĩ như thế cả” – Hường kể lại, giọng lạc hẳn đi.

Ăn cơm trắng với rau qua ngày, 12 năm liền vẫn đạt học sinh giỏi

Kể từ khi bố Hường bỏ đi đến nay, Hường vẫn chưa được gặp cha lần nào. “Bố chưa bao giờ về thăm mẹ con em. Em không biết mặt bố vì đến giờ em vẫn chưa được gặp” – Hường tâm sự. Khi thấy bạn bè cùng trang lứa có cha mẹ đủ đầy, gia đình yên ấm, Hường hay nghĩ đến gia cảnh của mình, tủi thân và chạnh lòng. Cố giữ cho nước mắt không trào ra, em kể lại: “Hồi cấp 1 đi học, các bạn thì được bố mẹ đón, còn em thì phải đi bộ về. Trời thì rất nắng, nóng mà em lại không có mũ. Khi lớn hơn 1 chút, đến nhà các bạn chơi, nhìn bố mẹ các bạn rất yêu thương các bạn, em cảm thấy rất ghen tị. Em rất mong một lần được gọi bố và một lần được tâm sự, nói chuyện bình thường với mẹ”.

Mặc dù có nhiều tâm sự như thế, nhưng Hường rất ít khi chia sẻ cùng ai, nhất là bạn bè, vì không phải ai cũng hiểu và thông cảm được cho hoàn cảnh của cô bé. Em nhớ lại năm em học lớp 9, có bạn bảo em là: “Còn hơn cái loại mẹ bị tâm thần, bố bỏ đi”. Trước đấy em chẳng nghĩ gì đâu, nhưng sau câu nói ấy em trở nên rụt rè, thu mình lại, sống khép kín hơn” – Hường nói. Nhưng rồi vì mẹ, vì bà, vì tương lai, Hường vẫn tiếp tục sống và tiếp tục nỗ lực thật nhiều.

Gia đình đông con, một mình bà ngoại già yếu lại phải nuôi tất cả nên tình trạng bữa đói bữa no với Hường và các chị như trở thành việc tất yếu. “Đậu là món xa xỉ nhất rồi, mấy bà cháu ít khi được ăn thịt lắm. Thường là hay ăn cơm, rau với vừng. Mà em thì rất ghét ăn vừng. Vừng bà em giã, vừng thì ít mà muối thì nhiều. Chỉ rắc nhẹ nhẹ thôi là ăn cũng đủ rồi. Hôm nào bà mua đậu là thích lắm, cả 3 chị em em đều thích ăn đậu” – Hường hồn nhiên kể lại. Nhà có thêm ao cá, nhưng chỉ đến khi nào tát ao, mấy bà cháu mới được ăn cá của nhà. “Còn những ngày thường nếu muốn ăn cá thì phải ra chợ mua loại cá diếc, giá rẻ chỉ bằng một nửa cá ở ao, về nhà kho mặn lên ăn được rất lâu”.

Tài sản trong nhà không có gì ngoài chiếc xe đạp

Mặc dù thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng Hường vẫn luôn lạc quan và cố gắng vươn lên số phận. 12 năm học em đều giành danh hiệu học sinh giỏi. Nhiều năm trong đó em được tham dự các cuộc thi huyện, thi tỉnh môn Toán và giành giải Ba. Gần đây, em cũng vinh dự giành được tấm vé vào khoa Luật, trường Đại học Luật (Hà Nội) với số điểm 23,5.

Để có tiền đóng học, từ nhỏ em đã phải đi làm thêm để kiếm tiền phụ bà. Từ lúc 5 tuổi em đã bắt đầu đi gỡ sợi. Bà thuê sợi của những gia đình sản xuất sợi về, hai bà cháu cùng gỡ. “Thường 10 con sợi sẽ được 1kg. Mà giá 1kg khoảng 500đ đến 1000đ. Ngày nào chăm chỉ em guồng được 2 - 3kg, còn ngày nào guồng ít chỉ được 1kg thôi”. Sau khi không có người thuê gỡ sợi nữa, bà mua ống về, hai bà cháu lại tiếp tục đánh ống. “Giá mỗi cân ống sợi khoảng 2.000đ. Một ngày em và bà cũng đánh được khoảng 5 - 6 kg”. Thời gian rảnh Hường cũng giúp bà quốc đất, dọn vườn. Lên năm cấp 2, em còn tranh thủ 3 tháng hè đi dệt vải thuê cho bác để kiếm thêm chút tiền.

Không có bàn học, giá sách ghép từ vài tấm gỗ là thứ quan trọng nhất trong nhà đối với Hường

Ban ngày đi làm, đêm về em lại tiếp tục học đến 1 – 2h sáng chỉ với một cái bóng điện treo giữa nhà, lại cách xa chỗ học của Hường, nhưng em vẫn phải thắp đến khuya. Bà tuổi già, lại mắc bệnh khó ngủ nhưng vẫn luôn hi sinh vì cháu, chẳng bao giờ ca thán nửa lời vì đèn chói.

Khi biết tin đậu đại học, Hường và bà đều rất vui, nhưng cũng không thôi lo lắng vì 4 năm phía trước còn quá dài. Tuy Hường đang sinh hoạt tại Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin và dùng số tiền học bổng được tài trợ mỗi năm từ Quỹ để trang trải học phí nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Hàng ngày em vẫn cố gắng học tập, vì “em rất thích cảm giác mang giấy khen về khoe với bà. Khi ấy, bà vui lắm”.

Cô Trần Thị Hiên (giáo viên chủ nhiệm năm lớp 10 và dạy Hường môn Toán suốt 3 năm THPT) cho biết: “Tuy gia cảnh nhà Hường rất khó khăn nhưng Hường rất ngoan, luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Biết gia cảnh em nên cô và nhiều giáo viên khác cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ em”.

Bạn đọc có thể chung tay giúp chia sẻ giúp đỡ em Hường (LD16117) tại địa chỉ: Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động: 51 Hàng Bồ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 04.39232748, email: tlvlaodong@gmail.com. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, STK: 102010000013374 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 177010000023405; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank, STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chi nhánh Hà Nội.

KIỀU THU
TIN LIÊN QUAN

LD16116: Cái bụng to như cái trống của cậu bé dân tộc Mường

LIÊN ANH |

16 tuổi là cái tuổi tràn đầy nhiệt huyết và sức khỏe vậy mà Đinh Văn Sự (trú tại xóm Mít 1,Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) phải chôn vùi tuổi trẻ của mình trong những cơn đau, trong một cơ thể gầy guộc, kiệt sức. Ngoại hình nhỏ bé, chân tay tong teo, cái bụng phình to như cái trống đã khiến Sự không có tuổi thơ, không được học hành.

LD16115: Ước nguyện của cụ bà cô độc thờ liệt sĩ trong căn nhà dột nát

Trần Tuấn |

Ngôi nhà tình thương bằng gỗ bé nhỏ được xây dựng cho cụ bà Dương Thị Yết (87 tuổi, ở thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), sau 15 năm đã không trụ lại được sức tàn phá của mưa, nắng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

LD16116: Cái bụng to như cái trống của cậu bé dân tộc Mường

LIÊN ANH |

16 tuổi là cái tuổi tràn đầy nhiệt huyết và sức khỏe vậy mà Đinh Văn Sự (trú tại xóm Mít 1,Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) phải chôn vùi tuổi trẻ của mình trong những cơn đau, trong một cơ thể gầy guộc, kiệt sức. Ngoại hình nhỏ bé, chân tay tong teo, cái bụng phình to như cái trống đã khiến Sự không có tuổi thơ, không được học hành.

LD16115: Ước nguyện của cụ bà cô độc thờ liệt sĩ trong căn nhà dột nát

Trần Tuấn |

Ngôi nhà tình thương bằng gỗ bé nhỏ được xây dựng cho cụ bà Dương Thị Yết (87 tuổi, ở thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), sau 15 năm đã không trụ lại được sức tàn phá của mưa, nắng.