Bão Chanchu - nỗi đau chưa bao giờ nguôi
Tôi còn nhớ như in về cơn bão số 1 - Chanchu năm 2006. Giữa tháng 5, đầu hè rực lửa đất miền Trung lại xuất hiện cơn bão lớn Chanchu với gió giật trên cấp 12. Điều dị thường này chưa từng xảy ra, dù chỉ là trong chuyện kể của những lão ngư dạn dày kinh nghiệm. Nhưng bão đã ập đến, đường đi lắt léo, bất thường. Mọi dự báo đều thay đổi liên tục, trúc trắc... và ngư dân đã mù đường khi lao tàu cá vào đúng vùng tâm bão.
Hậu quả chưa bao giờ nặng nề với ngư dân như thế, hơn 250 ngư dân miền Trung, chủ yếu khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam đã nằm lại với biển. Chỉ một số ít được bạn tàu sống sót vớt thi thể và đưa về trên con tàu xác xơ tiêu điều.
Cả chục ngày sau khi bão tan, hàng trăm gia đình, vẫn còn mòn mỏi trông ra khơi xa, nhưng những tia hy vọng cuối cùng dường như đã tắt lịm. Và rồi, những con tàu rách nát còn lại đã về, rất ít gia đình được niềm vui khi đón những người cha, chồng, con trai của họ trở về. Nhưng cả trăm gia đình khác lại tuyệt vọng. Họ phải đối mặt với thực tế, với nỗi đau mất người thân.
Quỹ Tấm lòng Vàng đã có mặt kịp thời
Đây cũng là lúc những cơn “bão tố” khác bắt đầu nổi lên từ đất liền, trong những căn nhà ngư dân vốn đã quá cùng cực, nay mất đi những đàn ông trai tráng - là những lao động trụ cột.
Những làng chài xác xơ, tiêu điều như Bình Minh, Duy Hải, ở Quảng Nam, làng chài Thanh Khê Đông, Hoà Hiệp Nam, Đà Nẵng - nơi hàng ngàn người thân nhân của họ ngóng chờ ở quê nhà bắt đầu quạnh quẽ thêm. Những hình ảnh bi tráng của ngư phủ, những con tàu may mắn sống sót trở về, mang theo những thi thể tìm được, việc đón tiếp hết sức xúc động của những người trên đất liền. Bức tranh tang thương này của ngư dân miền Trung đã gây thương cảm hơn bao giờ hết, lan toả khắp mọi nơi, toàn quốc thời điểm đó.
Để góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp gia đình các người bị nạn không bị đứt bữa, giúp cho bao cháu học sinh được tiếp tục đến trường… ngày 28.5.2006, Báo Lao Động đã phối hợp Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Bão số 1- Nỗi đau hãy cùng chia sẻ” để huy động tiền, giúp đỡ cho những ngư dân miền Trung.
Lần đó, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đã huy động được hàng tỉ đồng để giúp đỡ ngay các gia đình khó khăn. Ngoài hỗ trợ tiền mặt cho những gia đình có người tử nạn, Quỹ đã làm sổ tiết kiệm để giúp những đứa trẻ mồ côi vì bão biển được tiếp tục đến trường, dựng lại những ngôi nhà xiêu vẹo cho nhiều góa phụ. Hàng chục ngôi nhà sau đó được xây dựng khắp các vùng biển miền Trung, đậm dấu ấn Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động.Tôi còn nhớ, lúc đó, một trong những mạnh thường quân rất nhiệt tình là Ngân hàng Công thương Việt Nam. Lúc đó ông Phạm Huy Hùng - Giám đốc Ngân hàng Công thương đã đích thân mang 565 triệu đồng đóng góp vào Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động tại chương trình truyền hình trực tiếp.
Trước đó, chiều 28.5.2006, ông Hùng đã cùng tôi đến trao tặng 40 triệu đồng cho 5 gia đình có người mất tích tại phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng để sửa chữa, xây mới nhà tạm. Điều đáng nói, là khi được trực tiếp đặt chân xuống xóm chài, bước vào những căn lều lụp xụp đến khó tin như vậy, ông Hùng đã “sốc”. Ngay lúc đó, ông Hùng đã thông báo với tôi rằng, "từ năm 2007, Ngân hàng Công Thương Việt Nam sẽ quan tâm hỗ trợ cho các gia đình ngư dân miền Trung. Mỗi năm sẽ hỗ trợ xây dựng mới 50 nhà cho những gia đình ngư dân đang ở nhà tạm, hoặc chưa có nhà".
Nghe xong, đến lượt tôi... choáng. Thật tình, lúc đó, tôi nghi ngờ rằng vì có lẽ lúc quá xúc động, ông Hùng buột lời hứa, rồi sẽ quên. Tôi đã "mật báo" cho ông Dương Thành Thị, lúc đó là Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, tư vấn cho chính quyền thảo một thư cảm ơn, ghi rõ lời hứa của ông Phạm Huy Hùng như một... biên bản ghi nhớ.
Nhưng ông Hùng, và Ngân hàng Công thương Việt Nam đã giữ lời hứa, hỗ trợ cho dân nghèo Liên Chiểu. Chỉ khác hình thức trao 50 nhà mỗi năm, bằng việc xây luôn 150 căn nhà tặng 1 lần sau đó tại quận Liên Chiểu.
Bây giờ ngang qua các vùng biển nghèo, hỏi đến Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động, rất nhiều người dân vẫn nhớ đến với những tình cảm thật đặc biệt và cả sự biết ơn. Quỹ đã làm cầu nối để nghĩa tình đồng bào được chia sẻ cho nhau kịp thời những lúc hoạn nạn.