Bất ngờ thành F0, cuộc sống đảo lộn
Dịch bệnh khiến nhiều công nhân rơi vào tình cảnh bi đát trong đó có hai anh em Nguyễn Văn H và Nguyễn Văn H. Cùng là F0 nên 2 anh em phải vào khu cách ly đặc biệt. Trải qua những giây phút hoang mang, sợ hãi khi nhận kết quả dương tính, hai anh em lấy lại được tinh thần bởi xác định được mục tiêu: “Phải bình tĩnh chiến đấu, vì không còn cách nào khác”.
Ở trong khu cách ly còn nhiều thiếu thốn, anh H tâm sự: “Thời điểm này khu vực phía Nam liên tục nhận thông tin tăng các ca F0, thật lòng là chúng tôi nơm nớp cho đến khi chính bản thân mình có kết quả dương tính. Bây giờ ở trong khu cách ly, hai anh em vừa theo dõi sức khỏe của mình, vừa trấn an người thân ở nhà và tự dặn mình phải thật mạnh mẽ vượt qua dịch bệnh để trở về cuộc sống và công việc thường ngày”.
Suy nghĩ cho bản thân mình thì ít mà lo lắng cho gia đình thì nhiều, đó là tâm trạng chung của nhiều công nhân đang trong tình cảnh khốn đốn lúc này. Với gia đình chị Trần Thị My (33 tuổi, Công nhân Công ty Cổ phần Sao Việt, TP Thuận An) cũng là hoàn cảnh bi đát không kém khi mẹ ruột chị thấy đau đầu, khó thở đi xét nghiệm thì phát hiện dương tính với virus SARS CoV-2. Chị My và cha ruột cùng con nhỏ gần 5 tuổi trở thành F1 phải cách ly tại nhà.
“Mẹ mình là F0 được cơ quan y tế đưa đi điều trị nhưng hiện không biết ở đâu. Ở đây tôi không quen biết ai nên không biết nhờ cậy ai hỏi được thông tin sức khỏe của mẹ tôi. Trong nhà thì hết đồ ăn, may tổ chức công đoàn đã đến tiếp tế cho những thực phẩm thiết yếu. Chỉ thương con nhỏ không có sữa. Cha già thì ngồi buồn ngóng tin mẹ”- chị My chia sẻ.
Mất việc làm, mắc kẹt ở nhà trọ, công nhân trông chờ hỗ trợ
Mất việc làm, không có thu nhập, lại không có bất cứ 1 khoản dự trữ nào nên nhiều công nhân rơi vào tình cảnh chạy ăn từng bữa, thậm chí trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Mặc kẹt lại ở những khu nhà trọ, không có người thân ở bên, chị Lê Thị Châu (24 tuổi, quê Nghệ An làm việc ở Công ty TNHH May mặc Premier Global Việt Nam) mất việc làm đã 3 tháng nay, do dịch bệnh vẫn chưa tìm được việc làm mới.
Cuộc sống khó khăn khi từ nhỏ, chị nương tựa vào bà nội, lớn lên vào Bình Dương mưu sinh. Năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, đúng lúc bị bệnh, chị Châu cần tiền để điều trị nên đã lên mạng và rơi vào bẫy vay nặng lãi, phải cầu cứu đến Báo Lao Động giúp đỡ. Qua năm 2021, khi chưa trả hết nợ thì bị mất việc làm. Gần 3 tháng nay, sau khi nghỉ làm ở Công ty TNHH May Mặc Premier Global Việt Nam, chị đi tìm việc mới nhưng dịch bệnh ập đến nên lại thất nghiệp. Hiện, chị Châu chỉ biết quẩn quanh ở nhà trọ cầm cự qua ngày.
Tại Bình Dương, số ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính từ 17h00 ngày 25.7.2021 đến 6h00 ngày 26.7.2021, Bình Dương ghi nhận 407 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh lên 8.417 ca.
Trong đó có 4 “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao) đều thuộc phía nam của tỉnh, bao gồm: TP. Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Đây là vùng giáp ranh với TPHCM, tập trung đông người lao động, nhiều khu nhà trọ công nhân. Do đó, ngành y tế địa đang dồn toàn lực, khẩn trương “bóc tách” hết ca F0 ra khỏi "vùng đỏ" để dần dần làm sạch, kiểm soát, khoanh vùng an toàn đối với những khu vực dân cư đã qua sàng lọc, xét nghiệm.