Những người tìm lại... “bình thường”

Minh Phạm |

Nếu một ngày, vì một tai nạn nào đó, người ta mất đi khả năng cơ bản nhất như nói chuyện, giao tiếp hoặc không thể tự mình ăn uống được thì cuộc sống được gọi là bình thường sẽ trở thành niềm ao ước… Những nhân vật trong bài viết này, từ một cụ già ngoài 70 tuổi, một người đàn ông 42 tuổi đến một cậu bé 8 tuổi đang cùng với hai cô kỹ thuật viên của mình dốc hết tâm sức trong hành trình tìm lại những điều… bình thường.

Tập… ăn

Tôi tạm gọi căn phòng âm ngữ trị liệu rộng chưa đến 16m2 của khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Chợ Rẫy này là “lớp học”. Ở đây, ngày ngày kỹ thuật viên Trương Thị Minh Hiền và tình nguyện viên trẻ người Nhật - Tashiro Nachie - dùng hết sự kiên nhẫn và tỉ mỉ để tìm cách dạy cho những bệnh nhân của mình một cách kết nối với người thân bằng bất kỳ ngôn ngữ nào mà họ có thể tiếp nhận được… Nachie 27 tuổi, nữ kỹ thuật viên âm ngữ trị liệu từ thành phố xa xôi - Nagasaki của Nhật Bản, hôm trước, khi được đồng nghiệp đưa đi ăn món tráng miệng bằng yaourt trái cây kiểu Việt Nam, cô thấy ngon quá, thốt lên: “Nachie phải tập cho bạn nhỏ biết ăn món này”.
Bạn nhỏ của Nachie chính là cậu bé 8 tuổi tên An, khi vừa bước vào học lớp 2 thì phát hiện căn bệnh u não và phải phẫu thuật. Cậu bị tổn thương một vùng bán cầu não và bị di chứng rối loạn phản xạ nuốt. An không tự ăn uống được, phải đặt ống dẫn thức ăn lỏng trực tiếp vào dạ dày suốt một thời gian dài. Một cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn đã không còn có thể thưởng thức vị ngon của một món ăn nào nữa. Khi sức khỏe dần hồi phục, cậu bé được mẹ dắt vào khoa Vật lý trị liệu của Bệnh viện Chợ Rẫy và bắt đầu hành trình… tập nuốt.
Ngày đầu được mẹ đưa đến phòng tập này, Nachie và kỹ thuật viên Minh Hiền đã rơi nước mắt khi cậu bé nói: “Con thèm ăn lắm, thèm tất cả mọi thứ”. Vậy mà khi Hiền đưa miếng thạch trái cây nhỏ bằng hạt đậu đưa vào lưỡi cậu, vừa cảm nhận được vị ngọt thì miếng thạch bỗng trôi tuột ra ngoài. An vẫn chưa biết cách điều khiển lưỡi để có thể nuốt thức ăn vào. Hàng chục lần như thế nhưng, “Không sao! Làm lại nào” - chị Hiền dịu dàng động viên bệnh nhân của mình. Cứ mỗi lần đưa thức ăn vào lưỡi cho An, đôi mắt đen nháy của Hiền và Nachie lại không chớp, chăm chú quan sát cơ mặt cậu bé và hướng dẫn cậu bé đưa lưỡi, đẩy thức ăn vào trong. Hai tiếng đồng hồ của buổi tập trôi qua, họ cứ kiên trì lặp đi lặp lại động tác mà người chứng kiến nào cũng cảm thấy buồn tẻ ấy. An kết thúc bài tập khi cậu bé đã nuốt được một vài miếng thạch nhỏ xíu trong hàng trăm miếng được đưa vào miệng. “Tội nghiệp! thằng bé thèm ăn quá nên cũng siêng tập lắm. Có hôm mệt mà vẫn cố xin tập thêm. Có lúc mắt nhắm nghiền vì buồn ngủ mà vẫn há miệng để các cô bón thức ăn” – Minh Hiền kể về bệnh nhân của mình một cách trìu mến.

Tập nói

Sau buổi tập của An, Nachie và Minh Hiền lại bắt đầu giờ tập với một bệnh nhân mới. Anh là Đào, vừa bị tai biến do nhồi máu não. Tai qua nạn khỏi, nhưng cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn vì Đào bị di chứng mất khả năng ngôn ngữ, không thể nói được. Anh và vợ chia tay nhau. Con trai lên 3 sống cùng cha, không có ai dạy con tập nói, anh quyết định phải đến Bệnh viện học nói lại từ đầu.
3 tháng qua, anh là bệnh nhân duy nhất chưa bỏ một buổi tập nào. Để có thể diễn tả số tuổi của mình, anh xòe tay ra và đếm một - hai - ba - bốn anh dừng lại ở ngón trỏ. Lại xòe bàn tay bên kia, anh đếm, một - hai, dừng lại ở ngón áp út. Nachie vỗ tay: “42 tuổi, anh 42 tuổi”. Đúng ý, Đào gật đầu lia lịa.
Sau khi Nachie hướng dẫn Đào cách cử động lưỡi và cơ miệng, anh bắt đầu tập với kỹ thuật viên Minh Hiền những từ ngữ đơn giản nhất “ăn cơm, uống nước”. Suốt 2 tiếng đồng hồ,  anh chỉ học được một chữ “uống” mà chưa phát âm được chữ “nước”. Có lúc, nhìn khẩu hình miệng của Hiền xong, anh gồng hết cơ mặt, rồi khó nhọc phát âm “nờ… nờ”, vẫn chưa nói được chữ “nước”. Người đàn ông ấy bất lực, gục mặt xuống bàn. Đó là giây phút khó xử của Nachie, cô gái chưa rõ tiếng Việt bối rối vì dường như muốn nói một câu an ủi. Minh Hiền khẽ lay nhẹ bệnh nhân của mình, cười dịu dàng kèm một câu nói đùa: “Uống nước khó nói quá thì em chỉ anh nói uống bia nhé!”. Đào ngước mặt lên, lại cười và họ tiếp tục buổi tập.
Bệnh nhân cuối cùng của buổi sáng hôm nay là bà Hồng – một bệnh nhân 75 tuổi bị sa sút trí tuệ sau cơn tai biến cách đây một năm. Điều lạ lùng, bà có thể biểu diễn một lúc 3 bài hát nhưng bà lại không nói được những câu giao tiếp cơ bản nhất.  Con gái bà ngày nào cũng kiên trì đẩy xe lăn đưa mẹ đến bệnh viện và động viên mẹ bằng việc mỗi ngày quàng cho bà một chiếc khăn mới. Bà Hồng thích khăn, và từ đầu tiên, đồ vật đầu tiên bà nhận dạng đúng trong xấp hình Minh Hiền đưa cho bà là khăn. Những ngày sau, bà nhận diện được đôi dép. Giờ, sau vài tháng, bà biết phân biệt được đâu là đồ dùng cá nhân, đâu là nội thất. “Điều quan trọng nhất bây giờ là phải tập cho bà Hồng nhận biết các đồ vật và có thể ra hiệu cho con cháu hiểu ý mình nói. Bởi với một bệnh nhân như bà, việc tập để nói được những câu như người bình thường trở nên khó khăn…” – Minh Hiền giải thích.

Bắt đầu từ số 0

Âm ngữ trị liệu được xem là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, giúp những bệnh nhân bị tổn thương não phục hồi khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói và khả năng nuốt. Minh Hiền là kỹ thuật viên làm việc 19 năm ở Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2010, chị tiếp cận khái niệm âm ngữ trị liệu khi tham gia khóa học về lĩnh vực này tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cùng với một số chuyên gia người Úc. Đó là khóa học đầu tiên về âm ngữ trị liệu với số học viên chỉ 18 người.
Năm 2012, khi tốt nghiệp khóa học, chị mượn tạm căn phòng nhỏ của Khoa vật lý trị liệu của Bệnh viện để bố trí thành phòng khám âm ngữ trị liệu với mọi thứ bắt đầu từ số. Là một lĩnh vực quá mới nên với cô, việc kiếm một “sư phụ” để hỏi han về chuyên môn là một điều quá khó khăn: “Cảm giác như một mình chông chênh trên con đường mới vậy. Việc dạy ngôn ngữ, dạy nuốt cho một bệnh nhân bị tổn thương não bộ không đơn giản như tập cho một em bé đang tuổi tập ăn tập nói”. Đến tận bây giờ, chị vẫn phải tự sưu tầm “đồ nghề” và không ngừng đọc tài liệu tiếng Anh để tìm những bài tập mới cho bệnh nhân.
Thỉnh thoảng, đồng nghiệp ở khoa Vật lý trị liệu vẫn thường xuyên thấy Minh Hiền và Nachie tay xách nách mang “đồ nghề” lỉnh kỉnh leo thang bộ lên các khoa phòng để… đi dạo. Thấy bệnh nhân nào nằm ăn, hai cô kỹ thuật viên lại xin bệnh nhân quay giường lên, hướng dẫn bệnh nhân ăn đúng tư thế. Thấy bệnh nhân không nuốt được hay mất khả năng ngôn ngữ, chị Hiền lại thuyết phục bệnh nhân đi trị liệu. Và cho đến thời điểm đó, những bệnh nhân này mới biết có nơi để họ tập luyện và tìm lại sự… bình thường.
Với những bác sĩ khoa khác, họ có thể nhìn thấy kết quả bệnh nhân của mình ngay sau ca phẫu thuật can thiệp hay toa thuốc. Còn với Hiền và Nachie, thành quả lao động của họ không thể thấy ngay trong ngày một ngày hai. Thời gian tập luyện và phục hồi chức năng của bệnh nhân được tính bằng tháng, bằng năm. Đổi lại, khi được chứng kiến thành quả ấy, niềm hạnh phúc trở nên choáng ngợp: “Nachie vui muốn vỡ tim khi thấy cô Loan nói lời cảm ơn mình” – cô tình nguyện viên người Nhật không giấu được xúc động.
Còn với Minh Hiền: “Làm ở đây, thấy bệnh nhân của mình, tôi mới hiểu rằng tôi là người may mắn vì có một cuộc sống bình thường. Và tôi không thấy công việc của mình vất vả. Trong hành trình đi tìm lại những điều bình thường cho bệnh nhân, kỹ thuật viên phải nỗ lực một thì bệnh nhân phải nỗ lực hai. Bệnh nhân vất vả hơn tôi nhiều”.  

Minh Phạm
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.