Việt Nam xét nghiệm tìm ra ca bệnh đầu tiên là thành công rất lớn
Tại cuộc họp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Riêng đối với Việt Nam, trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên lây từ người sang người, Viện đã phát hiện được bằng những công nghệ của mình. Có nhiều ý kiến băn khoăn, làm sao có thể làm được nhanh vậy.
"Chúng tôi dựa vào cập nhật từ quy trình của WHO công bố, của Đức. Từ quy trình đó, đưa luôn mã gene, chúng tôi đặt hàng 1 đơn vị, 2 ngày là ra được mã đó để xét nghiệm. Mỗi xét nghiệm phải thảo luận rất kỹ, từng máy, cuối cùng thì thấy rất yên tâm. WHO cũng tin tưởng vào khả năng xét nghiệm của chúng tôi" - PGS Lân cho hay.
"Chúng ta cần thiết kế ngay những bản đồ dịch tễ học thì sẽ chạy đua với thế giới. Chúng ta có những thuận lợi, nếu có cơ hội làm sớm sẽ góp phần cho thế giới những bức tranh về dịch tễ học của bệnh này. Hơn nữa, phải làm thế nào để sản xuất ra test kit (bộ thử) thật sớm, để vừa chủ động, vừa rẻ tiền"- PGS Lân nói.
Chỉ có 30 test kit mà có tới 68 bệnh nhân nghi ngờ
Đồng quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Văn Kính- nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho hay nCoV đã được xác định ủ bệnh tới 14 ngày, trong khi SARS chỉ 7 ngày. Đây là đặc tính của biến chủng mới, vì vậy mà không thể nào chủ quan được.
Nếu dịch bùng phát ở miền Nam có thể có nắng ấm, mức độ lây lan miền Nam sẽ ít hơn, nếu bùng phát ở miền Bắc thì phải coi chừng, do miền Bắc đang lạnh - thời tiết thuận lợi cho virus phát triển.
Theo Giáo sư Kính, chủng mới của virus Corona này có rất nhiều bí ẩn. Virus lan tràn rất nhanh nhưng tính chất của nó ra sao, tỉ lệ tử vong thế nào thì phải kết thúc vụ dịch mới có thể biết được. Hiện nay, số ca tử vong tại Trung Quốc tăng lên hàng ngày, khiến họ buộc phải đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội.
"Hiện dịch đang bắt đầu ở Việt Nam, nhưng chủng virus đó chúng ta không nắm được trong tay ngoài ca đầu tiên do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phát hiện được. Trung Quốc lại không chia sẻ chủng virus này cho bất cứ nước nào trừ Nga. Ở một số nước khác, từ bệnh nhân đầu tiên, họ lấy luôn con virus đó nhân lên trong phòng thí nghiệm, mới nghiên cứu làm vaccine, có sinh phẩm mới chẩn đoán được. Hiện nay CDC chỉ cấp cho chúng tôi 30 test kit, trong khi riêng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có 68 ca nghi ngờ trong đó, như vậy là hoàn toàn không đủ" - ông nói.
"Về mặt nghiên cứu khoa học, phải tự sản xuất ra các test kit để xét nghiệm. Làm sao để xét nghiệm được âm tính - dương tính thật nhanh. Nếu không có sinh phẩm thì việc khẳng định được có nhiễm hay không thì quá khó"- Giáo sư Nguyễn Văn Kính khẳng định.
Theo ông, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là nghiên cứu sản xuất ra ngay test kit, vừa làm sàng lọc cho những ca nghi ngờ, vừa để làm xét nghiệm ca đó có nhiễm hay không để xử lý. "Hiện giải mã trình tự gene đã được công bố trên mạng, vấn đề là chúng ta làm thật nhanh ra bộ test đó, không thể chờ đợi WHO, CDC đưa vào Việt Nam thì dịch đã có thể bùng phát"- chuyên gia này khẳng định.
Khả năng của Việt Nam?
PGS Phan Trọng Lân cho hay hiện Việt Nam đã có chủng virus nCoV nghiên cứu từ bệnh nhân nhiễm đầu tiên nên việc sản xuất bộ kit test có thể chủ động. "Trong vòng 7 ngày có thể đưa vào sử dụng, kiểm tra được. Trong bối cảnh chống dịch phải chủ động kit để ứng phó", PGS Lân nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Phạm Công Tạc chủ trì cuộc họp cho rằng sẽ giao cho một số đơn vị có năng lực và trình độ nghiên cứu sản xuất nhanh bộ kit test nCoV, đồng thời nghiên cứu dịch tễ học về bệnh này để có tư liệu cần thiết. Sẽ bằng mọi cách nhanh nhất có thể ở góc độ khoa học để có cơ sở thuyết phục ứng phó với dịch bệnh này.