Con sốt nhiều ngày không đỡ, chị Lan Anh ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đưa con trai 5 tuổi tới bệnh viện thăm khám. Bác sĩ cho biết, bé bị viêm tai giữa. Chị bất ngờ khi con trai đã từng bị viêm tai giữa trước đó và không nghĩ con bị tái lại nhiều đến như vậy trong một năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), hiện là Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt, viêm tai giữa là tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào gây nên. Hiện tượng viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ, chảy mủ hoặc thành dịch nếu không có biện pháp xử lý đúng cách.
Viêm tai giữa là bệnh tai mũi họng phổ biến ở trẻ nhỏ và thường tái đi tái lại trong năm. Có nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng viêm tai giữa tái phát nhiều lần như phát hiện bệnh muộn khiến bệnh trở nặng gây khó khăn trong chữa trị; Điều trị không đúng cách cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm tai giữa tái phát; Điều trị không triệt để là vấn đề nhiều người mắc phải, không tuân thủ theo chỉ định bác sĩ khi thấy hết triệu chứng là dừng thuốc khiến bệnh chưa khỏi hoàn toàn khiến tái phát nhanh chóng; Không chăm sóc đúng cách, người bệnh sau điều trị không thăm khám, theo dõi định kỳ theo đúng lịch và không tuân thủ về lưu ý sinh hoạt phòng ngừa bệnh hiệu quả khiến bệnh tiếp tục tái phát...
"Với những trường hợp chưa tiêu diệt được vi khuẩn trong tai chúng sẽ phục hồi lại nhanh, mạnh hơn do kháng thuốc", PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cho biết thêm, không chỉ vậy, việc thường xuyên bơm rửa nước muối vào mũi và xì mũi, thói quen này sẽ đẩy dịch mũi lẫn vi khuẩn gây bệnh vào trong xoang và tai giữa. Từ đây trong tai giữa có thể xuất hiện thêm những chủng vi khuẩn mới và không phù hợp với nhóm kháng sinh đang sử dụng.
Một nguyên nhân khác ít gặp hơn là ở những trẻ bị trào ngược, có tần suất nôn chớ lớn.
Chính vì thế, theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, phụ huynh khi điều trị viêm tai giữa cho trẻ cần điều trị triệt để theo đúng phác đồ và chỉ định của bác sĩ. Có khoảng 1/3 trường hợp trẻ bị viêm tai giữa thường xuyên tái phát bệnh khiến sinh hoạt, sức khỏe và tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng. Khi bị tái phát bệnh lý này thì nguy cơ bội nhiễm tăng nhanh, trẻ lại phải dùng nhiều kháng sinh nên cũng dễ gây nhờn thuốc. Muốn điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ, cha mẹ cần chú ý tuân thủ các nguyên tắc: Dùng đúng kháng sinh - Dùng thuốc đủ liều - Dùng thuốc đủ thời gian.
Cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và có hướng điều trị thích hợp. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra màng nhĩ ở 2 tai và hệ hô hấp trên của bé để có thể chẩn đoán đúng bệnh, cho đúng thuốc. Hầu hết các bệnh viêm tai nhẹ và vừa sẽ hoàn toàn khỏi mà không cần điều trị bằng kháng sinh.