Theo CNN, các nhà nghiên cứu nhận thấy bạn càng gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ thì nguy cơ đột quỵ càng cao.
Tác giả nghiên cứu Christine McCarthy thuộc Đại học Galway ở Ireland cho biết: “Có 5 triệu chứng về giấc ngủ kể trên có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không gặp vấn đề về giấc ngủ”.
Chuyên gia về giấc ngủ Kristen Knutson, Phó giáo sư khoa Thần kinh học và y tế dự phòng tại Trường Feinberg thuộc Đại học Northwestern cho biết: “Những phát hiện này phù hợp với nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa giấc ngủ không lành mạnh với huyết áp cao và suy giảm chức năng mạch máu, vốn là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ”.
Nghiên cứu được các nhà khoa học thực hiện phân tích dữ liệu từ hơn 4.500 người tham gia. Trong đó có hơn 2.200 người sống sót sau đột quỵ, nhóm này được so sánh với hơn 2.200 người không bị đột quỵ. Những người tham gia có độ tuổi trung bình là 62, họ được hỏi về các hành vi khi ngủ, bao gồm cả việc chợp mắt và các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ.
Kết quả cho thấy những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người ngủ đủ 7 tiếng - mức tối thiểu được khuyến nghị cho người trưởng thành.
Mặt khác, ngủ trung bình hơn 9 tiếng một đêm có liên quan đến nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi, theo một tuyên bố của nghiên cứu này.
Theo nghiên cứu, ngáy hoặc khịt mũi đều có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm. Những người ngáy có khả năng bị đột quỵ cao hơn 91%, trong khi những người khịt mũi có nguy cơ bị đột quỵ cao gần gấp ba lần so với những người không khụt mũi khi ngủ.
Nghiên cứu cho biết ngủ trưa cũng là một yếu tố rủi ro. Những người ngủ trưa trung bình hơn một giờ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không ngủ. Tuy nhiên, việc ngủ trưa điều độ không liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ, nghiên cứu cho biết.
Tiến sĩ Andrew Freeman, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tim mạch tại National Jewish Health ở Denver, lưu ý điều quan trọng là nghiên cứu chỉ có thể chỉ ra mối liên hệ giữa các vấn đề về giấc ngủ và đột quỵ chứ không phải nguyên nhân.
Theo Tiến sĩ Freeman, thực hành giấc ngủ tốt , ăn chế độ lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là những cách chính để giảm tác động tiêu cực của chứng rối loạn giấc ngủ và giảm nguy cơ đột quỵ và tim mạch.