Ngày 6.12, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho bệnh, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.H (47 tuổi, ở Đoan Hùng, Phú Thọ) vào viện trong tình trạng suy kiệt cơ thể, khối u vú trái sưng nề, loét, chảy dịch mủ vàng.
Bệnh nhân cho biết, phát hiện ung thư vú từ năm 2016 tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện K (Hà Nội) kiểm tra với cùng chẩn đoán. Sau khi phát hiện ung thư bệnh nhân về nhà tự điều trị bằng cách uống thuốc nam và đắp lá vùng ngực trái. Sau hai năm tự điều trị tại nhà, khối u ngày một to lên, cơ thể yếu đi, 2 tháng gần đây khối u bị vỡ, chảy mủ, bệnh nhân đau nhức nhiều nên người nhà đưa đến bệnh viện điều trị.
Tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân H, BS Tẩn A Pao (Bệnh viện đa khoa Hùng Vương) cho biết: Bệnh nhân bị viêm nhiễm toàn bộ vú trái, khối u bị vỡ lan rộng, chảy mủ, hoại tử nhiều phần vú trái. Bệnh nhân chỉ còn cơ hội điều trị triệu chứng giảm nhẹ và bổ sung dinh dưỡng. Trường hợp bệnh nhân H vô cùng đáng tiếc, khi phát hiện ung thư vú ở giai đoạn đầu nếu tuân thủ theo phác đồ điều trị ung thư cơ hội điều trị ổn định rất cao.
Dự kiến bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt gọn phần vú bị hoại tử và viêm nhiễm sau khi sức khỏe hồi phục ổn định.
Để phát hiện sớm ung thư vú, các bác sĩ khuyến cáo ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường – có hạch ở nách, vú thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Riêng đối với những trường hợp, trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực trạng, buồng trứng, phổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ. Phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân nên tin tưởng và thực hiện điều trị theo phác đồ điều trị ung thư của bác sĩ. Tuyệt đố không điều trị bằng thuốc nam, đắp lá vào khối u tại nhà. Việc tự điều trị sẽ dẫn đến hậu quả chậm điều trị, ung thư phát triển đến giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn hoặc không thể điều trị.