Sáng nay (8.11), tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học Dinh dưỡng lâm sàng toàn quốc năm 2019.
Hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện cho người bệnh đang rất được quan tâm, “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”, dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện chiếm vai trò quan trọng trong điều trị toàn diện cho bệnh nhân, chế độ điều trị bằng dinh dưỡng để điều trị bệnh.
Ngoài ra có tác dụng giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, tăng sức đề kháng cho bệnh nhân, giảm chi phí điều trị. Vì thế, mục tiêu của hội nghị là để các cán bộ cập nhật và chia sẻ kiến thức về dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện của Việt nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS.BS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, trong 5 năm vừa qua, ngành y tế Việt Nam đã thay đổi cơ bản về cách nghĩ, cách làm, cách kiểm tra nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh. Dinh dưỡng là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng này.
"Chúng ta đã tiếp cận với những hướng dẫn, phác đồ về tiết chế dinh dưỡng, dinh dưỡng lâm sàng. Chưa bao giờ, lĩnh vực tiết chế dinh dưỡng, dinh dưỡng lâm sàng ở Việt Nam được quan tâm như hiện nay. Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế" - Cục trưởng Lương Ngọc Khuê phân tích.
Lấy ví dụ về việc chế độ ăn uống có liên quan mật thiết đến sức khoẻ người bệnh, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: "Người bệnh đái tháo đường, ung thư, bệnh thận... cần được quan tâm đặc biệt về chế độ dinh dưỡng. Nếu để người đái tháo đường, đang chạy thận ăn dù chỉ một quả chuối, nếu không cấp cứu kịp thời có thể chết ngay do hàm lượng kali trong chuối".
Trình bày hoạt động triển khai thực tiễn về dinh dưỡng, TS.BS Chu Thị Tuyết - Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai đưa ra những con số giật mình. Theo đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng trong bệnh viện của nước ta vào khoảng 30-60%. Khả năng bệnh nhân bị suy dinh dưỡng trong thời gian nhập viện rất cao do sự thiếu hụt trong chế độ ăn, tăng nhu cầu do tình trạng bệnh. Ngoài ra có thể đến từ biến chứng bệnh nền như hấp thu kém và mất chất dinh dưỡng quá mức.
Hậu quả của suy dinh dưỡng khi nằm viện rất báo động. Không những gia tăng biến chứng loét, nhiễm trùng mà còn có thể khiến tỷ lệ tái nhập viện tăng, thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn.
Đồng quan điểm, GS. TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho hay, hiểu biết về ăn uống ở Việt Nam quá chậm chạp. Hiện nay, trên bản đồ học thuật, dinh dưỡng là lĩnh vực còn rất mới nhưng đã có chỗ đứng riêng và khẳng định vai trò của mình.
"Vị thầy thuốc đáng kính Hải Thượng Lãn Ông đã từng nói có thuốc mà không có ăn uống thì cũng đi đến chỗ chết. Chính những sai lầm về chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị có thể khiến bệnh nhân "chết oan" - GS. TS Lê Danh Tuyên biện luận.