Buôn lậu thuốc lá thế hệ mới gia tăng, xử phạt chưa sát với mức độ vi phạm
Thực trạng thuốc lá điện tử lậu tấn công học đường, tiếp cận giới trẻ đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng nhập lậu, buôn bán trái phép thuốc lá thế hệ mới ngày càng gia tăng. Ở các quốc gia mà thuốc lá thế hệ mới được quản lý, chỉ có người hút thuốc trưởng thành mới được sử dụng, như một giải pháp chuyển đổi giảm thiểu tác hại.
Nhưng tại Việt Nam, sản phẩm nhập lậu đang bị quảng báo biến tướng như một sản phẩm sành điệu, mà bất cứ thanh thiếu niên nào cũng dễ dàng tiếp cận.
Hiện tại, hành vi buôn lậu, bày bán trái phép thuốc lá thế hệ mới chỉ bị xử lý như đối với một loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Xử phạt chưa sát với mức độ vi phạm, nên không đủ sức răn đe. Trong khi đó, chỉ cần buôn bán trái phép 1 bao thuốc lá điếu, người vi phạm có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng. Nhà nước thất thu ngân sách, lại phải tốn kém nhân lực, chi phí chống buôn lậu, xử lý và tiêu huỷ sản phẩm.
Đó là chưa kể đến gánh nặng của công tác tuyên truyền, định hướng giới trẻ trước bão thông tin sai lệch ngày càng tràn ngập trên mạng trong lúc chưa có quy định cụ thể để kiểm soát.
Cần sớm quản lý thuốc lá thế hệ mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ
Tới thời điểm hiện tại, chưa có luật định nào cụ thể cho thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, mặc dù từ giữa năm 2020, Chính phủ đã có công văn chỉ đạo khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng với các sản phẩm này.
Từ góc độ quản lý, hoàn toàn có thể đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý ngay dưới Luật phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành. Vì theo định nghĩa, sản phẩm này có chứa nguyên liệu thuốc lá nên được xếp vào dạng “thuốc lá khác”. Được biết, Tổ chức Hải quan quốc tế cũng xếp thuốc lá làm nóng là “thuốc lá khác” còn tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã công nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá.
Việc khẩn trương đưa thuốc lá làm nóng vào luật định hiện hành sẽ giảm thiểu đáng kể gánh nặng cho các cơ quan chức năng, đồng thời tạo nền tảng để tiếp tục nghiên cứu biện pháp quản lý phù hợp cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới còn lại.
Tham chiếu kinh nghiệm quản lý các nước để đẩy nhanh tiến độ
Việt Nam là thị trường thuốc lá thế hệ mới sinh sau đẻ muộn, nhưng có thể tận dụng những bước tiến của thế giới để rút ngắn thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học, hay công tác đánh giá tác động của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng lên cộng đồng, cũng như nguy cơ tiếp cận thanh thiếu niên.
Hiện nay, nước đi đầu trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Thuỵ Điển, New Zealand,… đều cho phép thương mại hoá thuốc lá làm nóng. Điểm chung ở các quốc gia này chính là chính sách quản lý được đặt ra nhằm mục đích khuyến khích chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm không khói.
Trong bối cảnh các chuyên gia quốc tế nhận định rằng, việc dừng hút thuốc điếu đốt cháy có thể giảm đến 90% tổng số ca mắc bệnh ung thư phổi do khói thuốc gây ra thì thuốc lá thế hệ mới với công nghệ làm nóng không đốt cháy, không tạo khói ngày càng được chấp nhận rộng rãi như một biện pháp giảm thiểu tác hại.
Còn cơ quan Y tế Canada khuyến cáo rằng chuyển đổi hoàn toàn từ hút thuốc lá điếu đốt cháy sang thuốc lá thế hệ mới có thể giảm thiểu sự phơi nhiễm với các chất hóa học gây hại. Tại Mỹ, trong năm 2020, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã công nhận một sản phẩm thuốc lá làm nóng (có đệ trình và được thẩm định) là Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ – giảm thiểu phơi nhiễm (MRTP).