Máu tươi của gia súc, gia cầm đều là nguồn dinh dưỡng để nuôi cơ thể chúng. Do chứa nhiều protein, đây cũng là một trong những môi trường thuận lợi và thích hợp cho những vi khuẩn sống và phát triển. Tiết canh bản chất là sử dụng máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh.
Mặc dù được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, nhưng thói quen của nhiều người vẫn chưa thể từ bỏ được tiết canh. Các loại tiết canh như ngan, vịt, lợn, dê...mỗi loại đều chứa tới hàng chục vi khuẩn có hại và dễ dàng gây bệnh. Đó là chưa kể, trong tiết canh sống còn chứa nhiều nguồn bệnh như giun sán, giun xoắn...
Khâu làm tiết canh cũng không được đảm bảo vệ sinh. Khi cắt tiết canh, những vi khuẩn hay trứng giun sán dính trong lông, da của con vật sẽ rơi vào bát hãm tiết canh rồi truyền bệnh cho người ăn. Những người chế biến lợn nhiễm liên cầu khuẩn cũng có nguy cơ mắc bệnh do tay chân bị xước tiếp xúc với dịch, máu của lợn bệnh.Hai thể thường gặp khi nhiễm liên cầu lợn là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu. Thời gian ủ bệnh khoảng vài ngày. Bệnh nhân thể viêm màng não mủ sẽ bị sốt, đau đầu, buồn nôn, hôn mê co giật. Ở thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân sốt, sốc, nếu không xử trí kịp thời có nguy cơ suy gan, thận, tụt huyết áp, rối loạn đông máu.
Năm 2018, tại tỉnh Thái Bình xảy ra vụ ngộ độc tiết canh khiến 50 người phải nhập viện. Nguyên nhân được xác định là do các bệnh nhân ăn tiết canh lợn rừng, sau đó xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: buồn nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, một số trường hợp có sốt nhẹ.
Năm 2020, các bác sĩ Bệnh viện E cũng ghi nhận trường hợp nam thanh niên (29 tuổi, ở Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhiễm trùng huyết do liên cầu lợn với triệu chứng rất nặng do ăn tiết canh.
Sau khi ăn tiết canh lợn rừng tại công ty, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, ý thức lơ mơ, chậm chạp, buồn nôn và nôn, kích thích nhiều, xuất hiện một cơn co giật gây mất ý thức toàn thân trong 4-5 phút nhưng rất may đã được điều trị kịp thời và bảo đảm tính mạng.
Trao đổi với báo Lao động, ThS.BS Vũ Mạnh Cường – Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết hằng năm vẫn xuất hiện rải rác bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn. Nhiễm liên cầu khuẩn ở người là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguyên nhân do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus suis) ký sinh ở lợn gây nên. Bệnh thường tiến triển nặng nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.
Để phòng tránh điều này, bạn cần thực hiện ăn chín uống sôi, tuân thủ không giết mổ, chấp hành tiêu hủy các động vật mắc bệnh trong khu vực có cảnh báo dịch theo lệnh của cơ quan chức năng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình ăn uống.