1 năm 7 vụ hành hung bác sĩ
Những ngày cuối năm, thống kê lại những vụ hành hung bác sĩ đã xảy ra suốt các thời điểm trong năm, ở khắp các địa phương trên cả nước, không ai có thể không bất bình và không cảm thông với những cán bộ y tế. Hằng ngày họ phải đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ, với những ca trực liên miên, suốt đêm đến sáng. Rồi tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cũng khiến bác sĩ và nhân viên y tế rất dễ bị stress. Thế nhưng, những gì họ phải đối mặt không chỉ có vậy.
Ngày 16.4, trong lúc bác sĩ Lê Quang Dương khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội), đang xem hồ sơ bệnh án thì bố bệnh nhi bất ngờ dùng chiếc cốc đập thẳng vào đầu bác sĩ. Lý do mà người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ máu đổ tung tóe trên bệnh án chỉ vì không được chuyển viện. Hậu quả của sự việc khiến BS Dương bất tỉnh, máu vương dính cả lên bệnh án, khâu 7 mũi trên đầu.
Hai tháng sau, ngày 17.6, tại khoa Đông y, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, người nhà bệnh nhân cho rằng bác sĩ kết luận nhầm kết quả, hai đối tượng đã hành hung bác sĩ Vinh ngoài cổng bệnh viện, sau đó tiếp tục lôi vào trong để đánh tiếp, bắt bác sĩ quỳ xuống xin lỗi. Bác sĩ Vinh bị đánh vào vùng mặt, thái dương và gáy, bị thương nặng, phải nằm điều trị...
Bộ Y tế đề nghị xử lý hình sự vụ bác sĩ bị đánh gẫy sống mũi
Ngày 26.12, bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình trong lúc cấp cứu cho nạn nhân đã bị người nhà bệnh nhân đánh gẫy xương mũi, chấn thương mắt trái.
Sự việc xảy ra khi đêm 25.12, Trung tâm cấp cứu 115 nhận tin có một ca tai nạn giao thông gần trạm y tế xã Đông Tân, huyện Đông Hưng nên xin một xe cấp cứu 115 vận chuyển. Kíp trực cấp cứu gồm bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa, lái xe Đào Văn Hoàng lập tức lên đường. Tại điểm xảy ra tai nạn, bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa đã khám và chẩn đoán: Bệnh nhân bị gẫy hở xương cẳng chân. Đồng thời giải thích cho bệnh nhân cần được giảm đau trước để chống sốc, sau đó băng vô khuẩn và băng nẹp cố định rồi mới tiến hành vận chuyển về bệnh viện.
Bác sĩ Nghĩa cho biết: Dự định ban đầu là sau khi tiêm giảm đau, trong thời gian chờ thuốc ngấm sẽ xỏ găng tay để băng bó cho bệnh nhân nhằm tiết kiệm tối đa thời gian. Tuy nhiên, khi bác sĩ Nghĩa đang đứng ở cửa xe cấp cứu lấy thuốc từ ống thuốc vào kim tiêm nhờ ánh sáng điện của xe cấp cứu thì bất ngờ bị một người (lúc trên xe, bệnh nhân xác nhận người đánh là người nhà) xông vào đấm liên tiếp vào vùng mắt, mũi, đầu, làm gẫy kính. Sau đó, bác sĩ Nghĩa vẫn tiếp tục tập trung làm các trình tự cấp cứu cho bệnh nhân.
Qua chiếu chụp xác định bác sĩ Nghĩa bị gẫy xương sống mũi, chấn thương sưng nề mặt vùng mắt trái và bị xước giác mạc, sưng nề vùng trán. Hiện bác sĩ Nghĩa tiếp tục được chỉ định xét nghiệm và theo dõi tình trạng bệnh.
Ngày 27.12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, về việc hỗ trợ điều tra vụ việc bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình bị hành hung. Bộ Y tế đề nghị Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong vụ việc đánh nhân viên cấp cứu, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu phạm tội); xử lý nghiêm các đối tượng hành hung bác sĩ và nhân viên y tế tại Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình và công bố kết luận điều tra cho công luận.
Trước đó, Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm cấp cứu 115 có hình thức hỗ trợ, động viên bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa sớm ổn định sức khỏe, tinh thần.
Sau mỗi vụ hành hung bác sĩ, dư luận lại dậy sóng bất bình, hàng loạt công văn của Bộ Y tế được gửi đi, đề nghị cơ quan chức năng các cấp mau chóng vào cuộc xử lý tình trạng bạo hành cán bộ và nhân viên y tế. Cơ quan công an cũng đã vào cuộc, những kẻ hành hung đều bị bắt và xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, phương cách xử lý sau mỗi vụ hành hung xảy ra lại không thể xử lý được triệt để vấn đề, bác sĩ vẫn liên tiếp bị hành hung. Thiết nghĩ, cần có giải pháp tổng thể cho vấn đề này, để máu bác sĩ không còn đổ trên bệnh án.