Giao lưu trực tuyến “phòng tránh dịch bệnh mùa đông – xuân"

Nhóm PV |

Bệnh mùa đông xuân do các tác nhân khác nhau có thể gây bệnh trở nặng, biến chứng nguy hiểm cho người mắc. Thậm chí một số bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn, trong đó một số bệnh dịch: sởi, ho gà, rubella rất thường tấn công trẻ nhỏ.

Đáng lưu ý, có một số bệnh ít gặp nhiều do đã nhiều năm chúng ta thực hiện tiêm chủng, khiến người dân chủ quan không chú trọng phòng bệnh cho bản thân hoặc không cho con em mình tiêm chủng đầy đủ.

Chương trình giao lưu trực tuyến: “Phòng tránh bệnh dịch mùa đông – xuân” do Báo Lao động thực hiện sẽ cập nhật về diễn biến dịch bệnh, đồng thời có các khuyến cáo, hướng dẫn cộng đồng phòng bệnh hiệu quả cũng như lịch tiêm chủng để đảm bảo phòng bệnh tối ưu.

Các khách mời: Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng – Chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) và Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) sẽ trả lời những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến dịch bệnh mùa đông - xuân.

 
Bà Phan Thu Thủy - Phó Tổng biên tập Báo Lao Động tặng hoa các khách mời tham gia buổi giao lưu. Ảnh: Sơn Tùng

Bộ Y tế có kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh giao mùa như thế nào? (Hoàng Thuỷ - Hà Nam)?

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, tập trung vào công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý các ổ dịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh các hoạt động tiêm vắc xin phòng bệnh, thực hiện tốt tiêm chủng mở rộng, tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella cho các đối tượng nguy cơ cao, trong quý III năm 2018 đã tổ chức chiến dịch tiêm sởi - rubella cho toàn bộ trẻ từ 1-5 tuổi tại88 huyện của 19 tỉnh nguy cơ cao đạt tỷ lệ >96%, tiếp tục tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.

 
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng trả lời câu hỏi tại cuộc giao lưu. Ảnh: Sơn Tùng

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh dưới nhiều hình thức; thực hiện nghiêm công tác phòng chống lây nhiễm, phòng chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất đáp ứng phòng chống dịch; tổ chức kiểm tra, giám sát tại các khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh.

Xin được hỏi bác sĩ, tôi năm nay 27 tuổi, không nhớ lúc nhỏ có bị sởi hay không? Tôi có nên đi tiêm vắc xin trước khi lấy chồng, sinh con không? Các loại vắc xin nào nên tiêm? Nếu mẹ được tiêm trước sinh, con có miễn dịch bảo vệ khi còn nhỏ không? (Nguyễn Hồng Nhung - Nghệ An)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Người chưa từng mắc bệnh sởi và chưa tiêm phòng thì sẽ không có miễn dịch với bệnh sởi. Việc tiêm vắc xin sởi có thể tạo miễn dịch bảo vệ cho khoảng 95%-97% số người được tiêm; nên một số người thời nhỏ được tiêm, khi trưởng thành vẫn có thể chưa đủ miễn dịch. Vì thế, việc tiêm nhắc lại cũng là việc nên làm, đặc biệt, với phụ nữ chuẩn bị có con, vì người mẹ có miễn dịch tốt có thể giúp bảo vệ con trong giai đoạn cho con bú.

Các loại vắc xin tiêm phòng cho bà mẹ mang thai đều sẵn có trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Vì thế, bạn có thể đến các phòng tiêm chủng vắc xin để được khuyến cáo và tư vấn về các loại vắc xin cần tiêm và lịch tiêm phù hợp.

Xin ông cho biết những dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong mùa đông - xuân? Làm cách nào để phòng tránh hiệu quả? (Tuyết Lan - Hà Nội)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Khí hậu mùa đông - xuân là thời điểm rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển. Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như bệnh sởi, cúm, não mô cầu…, bệnh lây qua đường tiêu hoá như bệnh tay chân miệng, tiêu chảy... Ngoài ra, tại khu vực có nền nhiệt độ cao như phía Nam vẫn tiếp tục ghi nhận bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyế…

Để phòng bệnh, cần thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, ăn chín, uống nước đã đun sôi, sử dụng nguồn nước sạch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng. Giữ ấm cơ thể. Đưa trẻ nhỏ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Xin ông cho biết, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi? Những trường hợp nào không nên tiêm vắc xin sởi? (Nguyễn Anh Thi - Hải Phòng)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Phụ nữ cho con bú nếu chưa có miễn dịch với sởi, cụ thể là chưa từng tiêm vắc xin và chưa từng bị mắc bệnh sởi thì vẫn có nguy cơ bị nhiễm sởi.

Việc tiêm phòng vắc xin không ảnh hưởng đến việc cho con bú nên phụ nữ cho con bú vẫn có thể tiêm phòng được.

Bà Phan Thu Thủy - Phó Tổng biên tập Báo Lao Động tặng hoa các khách mời tham gia buổi giao lưu. Ảnh: Sơn Tùng
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp trả lời độc giả tại buổi giao lưu. Ảnh: Sơn Tùng

Những trường hợp tạm trì hoãn đối với tiêm phòng bao gồm: Những người đang mắc những bệnh cấp tính, người có nguy cơ phản vệ với các loại vắc xin cụ thể đó. Ngoài ra, những người có suy giảm miễn dịch, sức đề kháng yếu cũng cần được thầy thuốc khám, đánh giá kỹ càng để cân nhắc việc tiêm phòng một số vắc xin có phù hợp hay không.

Mùa đông - xuân ở miền Bắc thường xảy ra rất nhiều dịch bệnh, từ viêm đường hô hấp đến tay chân miệng, sởi, viêm phổi, tiêu chảy... Tình trạng này là do đâu? Có biện pháp gì để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm này? (Đức Trung - Hà Nội)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Hiện tại, thời tiết đang mùa đông, thời tiết lạnh, có thể gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe con người đặc biệt là trẻ em và người già. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh dễ phát sinh, phát triển, trong đó phải kể đến các dịch bệnh đường hô hấp như cúm, hội chứng cảm lạnh, các bệnh viêm đường hô hấp cấp do virút các loại, các dịch sốt phát ban lây qua đường hô hấp như sởi, rubella, adeno vi rút, thủy đậu, quai bị...

Bên cạnh đó, một số dịch bệnh đường tiêu hóa cũng rất dễ xuất hiện, hết sức chú ý dịch như tiêu chảy cấp do Rota vi rút gây dịch ở trẻ nhỏ rất hay xảy ra vào mùa đông xuân. Vì vậy, bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ các vắc xin theo độ tuổi, người dân cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ, giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc đông người để tăng hiệu quả phòng bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Nếu gia đình có người mắc sởi, tay chân miệng thì phòng lây lan trong gia đình như thế nào? (Trần Đình - Nam Định)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Bệnh sởi là bệnh lây qua đường hô hấp nên cần cách ly phòng lây nhiễm đối với bệnh sởi bao gồm đeo khẩu trang cho người bệnh để tránh việc họ ho, hắt xì gây phát tán các giọt chất tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần với bệnh nhân, vệ sinh các bề mặt có nguy cơ vấy bẩn các giọt chất tiết của bệnh nhân. Đồng thời, người trong gia đình bệnh nhân cần lưu ý rửa tay khi tiếp xúc với bệnh nhân và đồ vật xung quanh bệnh nhân.

Về bệnh tay chân miệng, đây là một bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, người bệnh sẽ phát tán vi rút ra môi trường qua nước bọt, phân. Thế nên, đầu tiên việc quản lý tốt phân không làm ô nhiễm rất quan trọng. Thứ hai, cần sát trùng, vệ sinh các đồ vật có nguy cơ vấy bẩn phân hoặc nước bọt người bệnh.

Ngoài ra, cần đảm bảo việc vệ sinh tay chân sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc chất thải của người bệnh. Lưu ý hạn chế tiếp xúc gần giữa người bệnh với người lành, đặc biệt là trong các môi trường tập thể như trường học, bệnh viện…là những biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm đối với bệnh này.

Video: Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ về tình hình bệnh dịch mùa đông:

Sử dụng thuốc lá dân gian trong bệnh tay chân miệng có được không, thưa bác sĩ? (Phạm Ngân Anh - Vĩnh Phúc)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Bệnh tay chân miệng được phát hiện đầu tiên từ năm 1957. Tại Việt Nam, sang đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, bệnh mới xuất hiện. Vì vậy thực tế không có bài thuốc cổ truyền dân gian nào của tổ tiên truyền lại đối với bệnh này.

Bệnh tay chân miệng hầu hết là lành tính, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ có thể diễn biến nặng. Với những người bệnh thể nhẹ có thể sử dụng bài thuốc dân gian giúp hạ sốt nếu bệnh nhân sốt cao.

Với những bệnh nhân có diễn biến nặng thì bắt buộc phải điều trị hồi sức bằng các kỹ thuật y học hiện đại.

Bác sĩ có thể cho biết biến chứng của bệnh tay chân miệng là gì và làm thế nào phát hiện sớm biến chứng của bệnh? (Diệu Anh - Lạng Sơn)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp có thể dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để phát hiện sớm biến chứng, cần theo dõi sát sao các triệu chứng của tình trạng nặng như: sốt cao liên tục, quấy khóc dai dẳng, giật mình, ngủ nhiều, nôn khan… Tốt nhất khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Con tôi bị bệnh tay chân miệng hồi 13 tháng (nay cháu 27 tháng). Xin hỏi bác sĩ, vậy cháu đã miễn dịch với bệnh chưa? Cháu có khả năng nhiễm bệnh lại không? Khi cháu mắc bệnh, cháu chưa đi nhà trẻ, ít tiếp xúc bên ngoài, nhà giữ vệ sinh khá tốt lại bị bệnh, chị cháu đã đi trẻ, ở chung lại không bị bệnh. Xin hỏi tại sao lại bị vậy? (Đặng Ngọc Hân - Hưng Yên)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại virút thuộc họ Enterovirus gây ra, trong đó, thường gặp nhất là Coxakie virus và EV71, bởi vậy một người bị nhiễm tay chân miệng do một chủng virút nào đó thì vẫn có thể bị lại các lần khác nếu nhiễm các chủng virút khác.

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp. Ảnh: Sơn Tùng
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp. Ảnh: Sơn Tùng

Khi bị nhiễm virus bệnh tay chân miệng, người bệnh có thể có biểu hiện rất đa dạng. Một số gần như không có triệu chứng gì, một số có biểu hiện điển hình, còn một tỷ lệ nhỏ thì có thể có diễn biến nặng.

Bởi vậy, trong trường hợp cháu nhỏ mặc dù chưa đi nhà trẻ, ít tiếp xúc bên ngoài nhưng do chị cháu đi nhà trẻ có thể cũng đã từng nhiễm virus và mang virus về nhưng không có biểu hiện bệnh. Ngoài ra, không chỉ việc tiếp xúc trực tiếp với trẻ mang virus mà việc tiếp xúc với các chất tiết của người bệnh cũng có thể gây ra lây nhiễm.

Xin ông cho biết khoảng thời gian người bệnh có thể phát tán virus là khi nào? (Nguyễn Hiền – Thanh Hoá)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Bệnh tay chân miệng ủ bệnh thường là 3-7 ngày. Bệnh lây truyền vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó, thậm chí sau khi bệnh nhân hết triệu chứng. Vi rút có khả năng đào thải qua phân trong vòng từ 2 đến 4 tuần, cá biệt có thể tới 12 tuần sau khi nhiễm. Virus cũng tồn tại, nhân lên ở đường hô hấp trên và đào thải qua dịch tiết từ hầu họng trong vòng 2 tuần. Virus cũng có nhiều trong dịch tiết từ các nốt phỏng nước, vết loét của bệnh nhân.

Con tôi đang bị bệnh tay chân miệng nằm ở bệnh viện. Tôi vẫn cho em của cháu 3 tuổi vào thăm, sau khi thăm, tôi rửa tay mình và con bằng xà phòng diệt khuẩn. Tôi muốn hỏi như vậy có thể đảm bảo an toàn cho bé 3 tuổi không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thúy Hà - Long An)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa nên nếu cháu nhỏ vào thăm chị mà không ôm ấp, hôn, đồng thời rửa tay sạch sẽ và ăn chín uống sôi thì cháu không có nguy cơ bị lây nhiễm.

Ở độ tuổi nào thì có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng nhất? Cách phòng tránh hữu hiệu và nhận biết bệnh qua các triệu chứng bệnh như thế nào? (Linh Phương, TPHCM)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh hơn vì có thể đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây. Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm.

Bệnh tay chân miệng lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Vì vậy để phòng tránh tốt nhất bệnh tay chân miệng, người dân cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như: sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Trong lớp cháu tôi vừa rồi có bé bị tay chân miệng, cháu này đã được cho nghỉ học nhưng sau đó vẫn có bé bị lây. Tôi lo cho cháu tôi quá. Trong trường hợp này tôi phải làm sao để bảo vệ cháu mình? (Lê Anh Thắng - Thái Nguyên)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Người bệnh tay chân miệng có thể phát tán virus ra môi trường từ khoảng 2-3 ngày trước khi bị sốt và 2 tuần sau khi hết sốt. Bởi vậy, trong lớp có cháu có biểu hiện tay chân miệng thì có thể cháu đó đã phát tán virus ra môi trường trước đó một vài ngày và gây lây nhiễm cho các trẻ khác.

Do bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa nên việc quản lý tốt chất thải người bệnh, vệ sinh các bề mặt có nguy cơ vấy bẩn đảm bảo vệ sinh tay và đảm bảo ăn chín uống sôi là những biện pháp giúp bảo vệ các cháu khỏe mạnh không bị nhiễm bệnh từ những cháu bị mắc bệnh.

 
Ảnh: Sơn Tùng

Bệnh tay, chân, miệng lây truyền như thế nào? Khi trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng một lần thì có khả năng miễn nhiễm không bị lại hay không? (Thu Hường, Bắc Giang)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa: Nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm virus từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: Mật độ dân số cao, không gian sống chật chội; Điều kiện vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh, thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Do đó, nếu đã từng nhiễm bệnh nhưng người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm các virus khác.

Có mấy người bạn bảo để ngừa dịch bệnh tay-chân-miệng phải lấy hóa chất diệt trùng Chloramin B lau chùi nhà cửa, đồ chơi cho trẻ. Tôi muốn hỏi chất này mua ở đâu và sử dụng thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe con nhỏ không? (Bùi Thị Huyền - Hà Tĩnh)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Hóa chất diệt trùng Chloramin B là một loại hóa chất khá lành tính, có thể sử dụng để pha nước sát trùng vệ sinh nhà cửa, đồ chơi cho trẻ. Tuy nhiên, cần đọc kĩ các hướng dẫn sử dụng và pha đúng nồng độ để đảm bảo hiệu quả sát trùng. Ngoài ra, cần lưu ý việc kiểm soát, quản lý tốt tránh trẻ nhỏ uống nhầm viên thuốc hoặc dung dịch hóa chất đã pha. Chloramin B có thể hỏi mua ở các cửa hàng hóa chất vật tư y tế và các trung tâm y tế dự phòng, hoặc các đơn vị kinh doanh vật tư hóa chất xử lý nguồn nước.

Mầm bệnh tay chân miệng có thể có ở đâu, diệt mầm bệnh bằng xà phòng gia dụng có được không? (Gia An, Nghệ An)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá và có thể đào thải virus thông qua phân, các dịch tổn thương ở nốt phòng trên ra hoặc ở niêm mạc miệng. Sau khi bệnh nhân khỏi bệnh, virus vẫn có thể đào thải qua phân vài tuần sau đó. Virus gây bệnh có thể tồn tại trên các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, đồ chơi của trẻ nhỏ. Virus cũng có thể tồn tại ở bàn tay của người chăm sóc trẻ. Đây cũng chính là nguồn lây bệnh cho trẻ.

Việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em) là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất.

Trong giai đoạn giao mùa nhiều bệnh truyền nhiễm hiện nay, cha mẹ cần chú ý những vấn đề gì về dinh dưỡng cho trẻ ? (Nguyễn Đức Trung - Hà Nội)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Để đảm bảo sức khỏe miễn dịch cho trẻ nhỏ phòng tránh các bệnh lây nhiễm, bố mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ cân đối các thành phần: đường bột, chất béo, protein, vitamin và các loại khoáng chất. Đặc biệt, những trẻ đang bị các bệnh truyền nhiễm cấp tính thường sẽ sốt và ăn uống kém nên thường có nguy cơ thiếu nước, cần cho trẻ ăn các đồ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn thành nhiều bữa. Đồng thời, cho trẻ uống nước oresol, nước hoa quả để bổ sung điện giải và các vitamin cần thiết.

Với trẻ bị bệnh sởi cần lưu ý bổ sung vitamin A để tránh nguy cơ khô mắt, loét giác mạc.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo phòng chống bệnh tay chân miệng như thế nào? (Minh Hoàng - Bắc Giang)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó thường gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16.

Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (bao gồm cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện lối sống ăn uống lành mạnh bằng cách: Ăn chín, uống chín; Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng bằng nước sôi); Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; Không mớm thức ăn cho trẻ; Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa và đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

Con trai tôi được gần 5 tháng. Khi được 2 tháng, cháu đã bị viêm phổi phải vào viện điều trị tiêm kháng sinh 7 ngày. Đến nay lại bị tái phát viêm phổi phải điều trị tiêm thêm 6 ngày nữa. Tôi thực sự lo lắng nếu con tôi cứ bị tái phát bệnh này. Chỉ trong thời gian ngắn, tiêm nhiều kháng sinh như vậy có ảnh hưởng gì không? (Đặng Ngọc Thúy - Hà Nam)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Cháu bị viêm phổi do vi khuẩn thì bắt buộc phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Nhìn chung, tất cả các loại thuốc kể cả kháng sinh đều có thể có tác dụng phụ. Chính vì vậy, cần đảm bảo tuân thủ việc điều trị đúng theo chỉ định của thầy thuốc, sử dụng đúng liều lượng và thời hạn, tránh tự ý cho uống kháng sinh và lạm dụng kháng sinh bừa bãi.

 
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Sơn Tùng

Trong trường hợp, cháu nhỏ hay vị viêm phổi tái đi tái lại, chị có thể đến tư vấn ở các phòng tiêm chủng để cân nhắc việc tiêm vắc-xin phế cầu và HI.

Vắc xin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không, thưa bác sĩ? (Cát Tường, Nghệ An).

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Khi đã tiếp xúc với virus sởi, nếu chưa có miễn dịch, chúng ta hoàn toàn có thể bị bệnh sởi. Sau khi tiêm vắc xin, cơ thể cần khoảng thời gian 2 tuần để tạo đủ mức miễn dịch cao nhất.

Bé nhà tôi được hơn 12 tháng tuổi và hồi tháng 11 cháu có tiêm phòng sởi, hiện tại tôi có nhu cầu tiêm thêm cho cháu cả quai bị và rubella thì không biết là có thể cho cháu tiêm mũi 3 trong 1 sởi - rubella - quai bị được không? (Lê Anh Đào - Bình Dương)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Về mặt lý thuyết thì cháu hoàn toàn có thể tiêm mũi 3 trong 1 sở - rubella – quai bị, tuy nhiên hai liều vắc xin sởi tiêm quá gần nhau thì khả năng bảo vệ đối với bệnh sởi ,sẽ không được hiệu quả như việc tiêm phòng hai mũi theo đúng kì hạn.

Phân biệt bệnh sởi và các bệnh tương tự bằng cách nào, thưa bác sĩ? (Ngọc Thu, Hưng Yên)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp do virus sởi gây ra. Bệnh khởi phát với sốt, viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, sau đó sốt cao, và phát ban bắt đầu xuất hiện ở đầu mặt, rồi đến thân mình và sau đó là tứ chi.

Phân biệt với một số bệnh cũng có triệu chứng sốt phát ban như bệnh rubella (phát ban không có trình tự, ít khi có viêm long và thường có hạch cổ), bệnh nhiễm nhiễm Enterovirus (phát ban không có trình tự, thường có nốt phỏng, hay kèm rối loạn tiêu hóa), ngoài ra còn bệnh Kawasaki, tinh hồng nhiệt và một số phát ban do các vi rút khác.

Phương pháp chính xác nhất để phân biệt bệnh sởi và các bệnh khác là xét nghiệm chẩn đoán. Vì vậy khi nghi ngờ mắc bệnh sởi cần đến cơ sở y tế để khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Video bác sĩ Nguyễn Bá Đăng chia sẻ tại tọa đàm:

Có vắc xin ngừa sởi, tay chân miệng, SXH cho người lớn không bác sĩ? Mẹ tôi 60 tuổi, hay bị sổ mũi, ho mỗi khi trở trời, tôi cần tiêm phòng gì cho bà? (Lê Thùy Linh - Nam Định)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Hiện nay có vắc xin ngừa sởi nhưng chưa có vắc xin ngừa tay chân miệng và sốt xuất huyết. Trường hợp mẹ bạn hay bị sổ mũi, ho khi trở trời thì nên cho đi tiêm vắc xin cúm hàng năm.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi? (Mai Hương, Quảng Nam)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm vắc xin sởi phòng bệnh.

Tôi 55 tuổi, nghe báo đài cảnh báo dịch bệnh thấy sợ, nhưng thấy mọi người chủ yếu khuyên tiêm chủng cho trẻ con mà ít nhắc đến người lớn. Xin hỏi như tôi phải làm sao để phòng tránh bệnh? Tôi có thể tiêm chủng không, đi tiêm ở đâu, chi phí ước tính bao nhiêu? (Lê Hồng Ngát - Bắc Giang)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Một số bệnh lý sau khi tiêm vắc xin thì có thể có miễn dịch trọn đời, nên tiêm đối với trẻ nhỏ sẽ giúp bảo vệ đứa trẻ kể cả lớn lên, trưởng thành. Tuy nhiên, một số bệnh cần tiêm nhắc lại thì mới đảm bảo hiệu quả. Với bệnh lý đó, người lớn cũng nên đi tiêm, ví dụ như uốn ván, bệnh cúm nên tiêm hàng năm hoặc trong trường hợp đã tiêm chủng đúng kì hạn nhưng xét nghiệm thấy kháng thể không đủ nồng độ bảo vệ thì cũng nên tiêm nhắc lại.

Chi phí tiêm chủng phụ thuộc vào việc lựa chọn tiêm loại vắc-xin đối với bệnh gì, vắc xin loại nào. Bác nên đến phòng tiêm chủng vắc xin để được tư vấn một cách cụ thể.

Tiêm vắc xin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi? Miễn dịch sau tiêm vắc xin sởi có bền vững suốt đời không thưa ông? (Thu Ngân, Hà Nội)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Vắc xin phòng bệnh sởi là loại vắc xin virus sống, giảm độc lực. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì miễn dịch có thể bền vững lâu dài.

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ do tiêm vắc xin phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự đáp ứng miễn dịch của từng cá thể tạo ra miễn dịch bảo vệ đóng vai trò quan trọng. Tại khu vực thường xuyên lưu hành bệnh sởi, miễn dịch quần thể thấp, những đối tượng có lịch sử tiêm chủng không rõ ràng (không nhớ đã tiêm chưa) nên tiêm các mũi nhắc lại, để đảm bảo có miễn dịch bảo vệ tốt nhất phòng chống bệnh.

Một số dịch bệnh như sởi, bạch hầu... đều đã có vắc xin phòng. Hiệu quả phòng bệnh bằng vắc xin có đảm bảo hay không mà dịch vẫn quay lại? (Đoàn Công Nam - Hải Phòng)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Đối với vắc xin sởi, bạch hầu là những loại vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như không bao giờ đảm bảo được 100% số người dân đi tiêm vắc xin nên dịch bệnh thường xảy ra ở nhóm những người tiêm phòng không đầy đủ.

Ngoài ra, phụ thuộc vào cơ địa và sức đề kháng của từng người nên ngay cả những người tiêm đầy đủ cũng có một tỷ lệ rất nhỏ không phát triển được miễn dịch đầy đủ để bảo vệ khỏi bệnh.

Bệnh sởi lây lan ra sao ạ, nếu lỡ mắc bệnh thì cần lưu ý gì để mau hồi phục? (Kiều Linh, Hà Nội)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh rất dễ lây truyền qua đường hô hấp. Khi có dấu hiệu mắc sởi, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng.

Nếu tiêm ngừa muộn thì hiệu quả phòng bệnh có đạt không thưa bác sĩ? (Hà Diễm Lệ - Đồng Nai)

- Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp: Sau khi tiêm phòng, cơ thể cần có một thời gian để phát triển miễn dịch bảo vệ. Với một số vắc xin cần phải tăng cường mũi hai, mũi ba để miễn dịch bảo vệ phát triển đầy đủ. Vì thế, nếu như mũi một tiêm muộn thì cả khoảng thời gian trước khi tiêm cơ thể không được bảo vệ, còn nếu như tiêm muộn các mũi tăng cường so với lịch thì hiệu quả phát triển miễn dịch tăng cường cũng sẽ kém so với việc tuân thủ quy chuẩn tiêm phòng.

Những vật dụng nào có thể chữa mầm bệnh sốt xuất huyết? (Phan Minh, Hà Nội)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường chỉ sống trong các vật chứa nước sạch cả trong nhà, ngoài nhà và khu vực công cộng. Các ổ chứa lăng quăng muỗi vằn cũng hết sức đa dạng như dụng cụ chứa nước sinh hoạt: lu, khạp chứa nước hoặc hầm chứa nước ở chung cư... Các vật dụng trong nhà: bình hoa, đĩa kê chậu cảnh, chậu cảnh đọng nước, xô, thùng ngoài vườn, chén hứng mủ cao su ở các nông trường cao su… Vật phế thải xung quanh nhà: vỏ xe, lon nước ngọt, vỏ dừa, vỏ cơm hộp,…

Do đó, nơi nào có khả năng chứa, đọng nước sạch thì nơi đó đều có thể trở thành nơi có ổ lăng quăng, bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Xin hỏi nếu phun hoá chất diệt muỗi gây sốt xuất huyết tại nhà, có thể sử dụng hoá chất diệt muỗi thông thường?(Tiến Thành, Thái Bình)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi để xử lý ổ dịch nhằm tiêu diệt ngay đàn muỗi đang mang vi rút sốt xuất huyết hiện có trong cộng đồng, cắt đứt đường lan truyền bệnh sốt xuất huyết trong khu vực đang có người mắc bệnh sốtxuất huyết.

Các hóa chất này an toàn và đã được Bộ Y tế cho sử dụng trong phòng chống sốt xuất huyết và các thành phần hoạt chất có trong hóa chất cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới cho phép sử dụng, hầu như không có ảnh hưởng đến sức khỏe người sống trong khu vực phun hóa chất. Để an toàn, người dân nên làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ Y tế địa phương khi có các đợt phun hóa chất diệt muỗi tại nhà: ra khỏi nhà, đậy đồ ăn thức uống, tránh tiếp xúc trực tiếp hóa chất.

Cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Trong những năm qua có một số loại dịch bệnh quay lại, như bệnh bạch hầu. Chúng tôi nên làm gì để phòng chống những bệnh dịch này? (Minh Nhật, Nam Định)

- Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng: Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Nguy cơ lây lan phức tạp, Hà Nội chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh

VƯƠNG TRẦN |

Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị triển khai tích cực biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây lan, bùng phát các loại dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết.

Bộ Y tế phát động chiến dịch chống lại 3 dịch bệnh đang hoành hành

Thùy Linh |

Ngày 13.10, tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (Hà Nội), Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức triển khai “Chiến dịch phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết”. 

Bộ Y tế: Dịch bệnh đông - xuân vẫn nằm trong tầm kiểm soát

Thùy Linh |

Bộ Y tế khẳng định: Dịch bệnh đông - xuân vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bộ, đặc biệt 3 loại bệnh là bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết. Thông tin từ họp báo do Bộ Y tế tổ chức ngày 9.10.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Nguy cơ lây lan phức tạp, Hà Nội chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh

VƯƠNG TRẦN |

Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị triển khai tích cực biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây lan, bùng phát các loại dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết.

Bộ Y tế phát động chiến dịch chống lại 3 dịch bệnh đang hoành hành

Thùy Linh |

Ngày 13.10, tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (Hà Nội), Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức triển khai “Chiến dịch phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết”. 

Bộ Y tế: Dịch bệnh đông - xuân vẫn nằm trong tầm kiểm soát

Thùy Linh |

Bộ Y tế khẳng định: Dịch bệnh đông - xuân vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bộ, đặc biệt 3 loại bệnh là bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết. Thông tin từ họp báo do Bộ Y tế tổ chức ngày 9.10.