Nhiều công dụng của đậu đỏ
Đậu đỏ, còn gọi là xích tiểu đậu, mao sài xích, mễ xích. Tên khoa học Phaseolus angularis Wight. Thuộc họ Cánh bướm - Fabaceae.
Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách "Thuốc ở quanh ta", đậu đỏ giàu chất dinh dưỡng: đường, đạm, chất xơ, chất béo, chất khoáng như: canxi, phốt-pho, sắt, axit nicotinic, vitamin B1, B2…
Đậu đỏ vừa là loại thực phẩm bổ máu, vừa có tác dụng giải độc, kích thích nhu động ruột, kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, hạ cholesterol máu…
Giải độc: Tác dụng lợi tiểu sẽ đẩy chất độc ra khỏi cơ thể; cũng chính nhờ tác dụng này mà một số người bệnh bị tê phù, tim mạch, phù thận, khó đại tiểu tiện… nên sử dụng đậu đỏ.
Giảm cân: Đậu đỏ rất có ích cho những ai đang muốn giảm cân, vì chúng cung cấp ít calo - một chén đậu đỏ chỉ cung cấp khoảng 300 calo - nhưng lại giàu chất xơ nên sẽ giúp no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn đồng thời còn đốt cháy bớt lượng mỡ thừa đã tích trữ lâu ngày trong cơ thể.
Kiểm soát huyết áp: Lượng kali trong hạt đậu đỏ có tác dụng giúp điều chỉnh và kiểm soát mức huyết áp. Bổ sung đủ lượng kali theo nhu cầu mà cơ thể cần, là cách để các thai phụ ngăn ngừa những dị tật có thể xảy ra cho thai nhi của mình.
Tốt cho làn da: Đậu đỏ cũng được xem là một trong những bí quyết làm đẹp của phụ nữ, vì chúng có khả năng tẩy sạch tế bào chết cho da.
Bột đậu đỏ là một trong những nguyên liệu có thể sử dụng để chế biến các loại mặt nạ dưỡng da phù hợp với mọi loại da. Không chỉ tẩy sạch tế bào da chết, đậu đỏ còn làm giảm tình trạng viêm nhiễm và hạn chế các vết sưng tấy trên da do mụn gây ra.
Tốt cho thận: Đậu đỏ nằm trong nhóm những thực phẩm có ích cho sức khỏe của thận. Chúng giúp điều chỉnh chức năng của thận và khôi phục lại sự cân bằng về lượng chất ẩm có trong hai quả thận.
Vỏ đậu đỏ: Giúp cho nhu động ruột hoạt động tốt, nhờ đó loại bỏ các chất cặn bã bám ở thành ruột, đồng thời nó kích thích nhuận tràng bài trừ chất độc. Mỗi khi cơ thể mệt mỏi, uống 1 ly nước đậu đỏ sẽ thấy người sảng khoái hơn. Nếu cảm thấy cơ thể và trí óc nặng nề, nên ăn một bát canh đậu đỏ mặn để tiêu trừ cảm giác này.
Các bà mẹ đang mang thai, cho con bú, nên thường xuyên ăn đậu đỏ giúp cân bằng hóc môn trong cơ thể hơn và giúp có nhiều sữa.
Các bài thuốc từ đậu đỏ
- Giải độc: nếu bị ngộ độc cho người bệnh uống ngay một ly nước đậu đỏ nấu với một ít muối.
- Thiếu máu: Đậu đỏ 250g, sắc uống thường xuyên.
- Viêm gan vàng da, phù, đái rắt: hạt đậu đỏ 50g, vỏ quýt khô 6g, ớt 6g, cá gáy tươi 1 con; cá gáy đánh vảy, bỏ ruột, rửa sạch, cho 3 loại kia vào bụng cá; đặt cá vào bát to, thêm gia vị như hành, tiêu, muối và một chén nước, rồi đưa vào nồi hấp chín, 30 phút đầu lửa to, sau hạ lửa nhỏ để chừng 1 giờ là được, ăn nóng cùng rau thơm.
- Dự phòng các bệnh ôn nhiệt mùa hè: dùng các hạt đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ lượng bằng nhau, có ít cam thảo nữa thì tốt, nấu ăn và uống nước trong 7 ngày liền để tránh cảm nhiễm.
- Phù thũng, tiểu tiện không thông: hạt đậu đỏ 20g, hạt bo bo 30g, gạo tẻ 30g, đường vừa đủ; nấu thành chè, ăn ngày 2 lần trong nhiều ngày. Món này có công dụng hồi phục chức năng hệ tiêu hoá, lợi tiểu.
- Phụ nữ có thai bị phù: Hạt đậu đỏ 100g, cá trích 250g; cho vào nồi đất, đổ nước hầm nhừ, uống nước, cần dùng trong 5 ngày.