Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng) cho biết, chúng ta đã có nhiều thay đổi về chế độ ăn uống và thói quen ăn uống do toàn cầu hóa, đô thị hóa và tăng thu nhập. Chúng ta đã thay đổi từ các món ăn chủ yếu làm từ thực vật và giàu chất xơ (gạo và rau/củ/quả) sang chế độ ăn uống giàu calo, nhiều tinh bột mịn, đường, chất béo, muối, thực phẩm chế biến sẵn, thịt và các sản phẩm nguồn gốc động vật khác.
Theo cuộc điều tra năm 2017 – 2018 tại 75 trường (Tiểu học, THCS và THPT) thuộc 25 xã/phường của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng cho thấy có sự tồn tại đồng thời cả hai thái cực về suy dinh dưỡng là thiếu cân và thừa cân béo phì ở trẻ em và có sự khác biệt theo vùng.
Trẻ em ở vùng nông thôn có tỉ lệ suy dinh dưỡng (thể thiếu cân, chiều cao thấp) cao hơn ở thành phố, ngược lại thì thừa cân béo phì tập trung cao ở vùng thành thị, đồng thời cấp học càng thấp thì tỉ lệ thừa cân béo phì càng cao.
Kết quả của cuộc điều tra cho thấy, học sinh tiểu học ở thành phố có tỉ lệ thừa cân béo phì rất cao 41,9% và nông thôn 17,8%, tỉ lệ thấp còi tương ứng là 3,9% và 10,7%. Học sinh trung học cơ sở thì thừa cân béo phì là 30,5% ở thành thị và ở nông thôn là 11,2%, mặc dù vậy tỉ lệ thấp còi lên tới 20,1% ở nông thôn và 3,8% ở thành thị.
Học sinh trung học phổ thông thì tỉ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh tiểu học và THCS, nhưng tỉ lệ này ở thành thị cũng cao hơn vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%, tỉ lệ thấp còi ở học sinh THPT nông thôn vẫn chiếm tỉ lệ cao 14,9% và 8,6% là học sinh thành thị.
Nguyên nhân của thừa cân béo phì ở trẻ em học đường là do chế độ ăn quá dư thừa, ăn quá nhiều so với nhu cầu và thói quen ít hoạt động thể lực.
Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” (từ 16 đến 23.10), Viện Dinh dưỡng đã chọn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ là mô hình điểm của toàn quốc để tổ chức triển khai các hoạt động của Tuần lễ này, với thông điệp chính là “Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe”.
Dinh dưỡng hợp lý:
- Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình.
- Tăng cường ăn các loại rau/củ và trái cây; các loại hạt (đậu, đỗ, vừng lạc…).
- Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo. Không ăn mặn.
- Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, bảo đảm đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi.
- Khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh.