Nghiên cứu về vấn đề này, chuyên gia Saikat Basu của trường ĐH South Dakota State, Hoa Kỳ, đã tiến hành thu thập các bản quét mũi ba chiều và kết hợp chúng trong một mô hình máy tính nhằm mô phỏng luồng không khí bên trong. Khi sử dụng bình xịt, thuốc dạng khí dung sẽ đi thẳng vào mũi hay đến vòm họng, khoang đầu ở cổ họng, nơi hai đường dẫn khí trong mũi thông với nhau.
Dưới tác động của hệ hô hấp, luồng không khí hít vào có thể khiến thuốc chạy thẳng xuống họng và không đọng lại trong mũi hay để phát huy tác dụng như mong muốn.
Phát biểu tại Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ vào tháng 11, Saikat Basu cho biết: "Nếu bạn muốn dung dịch thuốc đi đến đúng nơi trong mũi, thì luồng không khí trong hệ hô hấp không phải là phương tiện tốt nhất để vận chuyển thuốc".
Ông giải thích thêm, thay vì giữ thẳng bình xịt trong trong lỗ mũi thì cách tốt nhất chính là giữ nó gần như nằm ngang khi đưa vào và hơi chếch về phía má.
Bằng cách phun theo chiều ngang, thuốc xịt sẽ thoát ra khỏi luồng không khí mạnh của người hít vào, lúc này thuốc sẽ không bị đẩy qua mũi, lọt vào cổ họng hay phổi.

Saikat Basu chỉ ra rằng, cách làm này còn giúp tăng số lượng các giọt khí dung thấm vào mũi, đến được nơi cần đến ít nhất là 100 lần so với cách xịt thông thường.
Nghiên cứu này được nhiều chuyên gia tại cuộc họp ủng hộ và kỳ vọng sẽ góp phần cải tiến các thiết kế của máy bơm xịt mũi hay tìm ra kích thước giọt thuốc tối ưu.
Cho đến khi các thí nghiệm trên người thật được tiến hành, Basu cho biết, ông sẽ không đưa ra bất kỳ lời khuyên nào dành cho những người bỏ qua các hướng dẫn đi kèm với thuốc xịt mũi.
“Tôi không có thẩm quyền đó, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, tôi luôn cố gắng áp dụng các loại thuốc xịt theo cách này”.