Cũng như tình hình nhiễm HIV toàn quốc, số ca nhiễm HIV mới qua đường máu ngày càng giảm, số ca nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khác giới có xu hướng giảm trong lúc số trường hợp nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng lên một cách đột biến.
Theo báo cáo năm 2023 của CDC tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện toàn tỉnh có 529 người nhiễm HIV còn sống, số người nhiễm tử vong từ đầu vụ dịch đến nay 383 người, trong năm đã phát hiện 104 người nhiễm, trong đó có 39 người nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên được điều trị PrEP (viết tắt của Pre-Exposure Prophylaxis hay dự phòng trước phơi nhiễm HIV).
Điều trị PrEP là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV 96 - 99% nếu tuân thủ điều trị tốt.
PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzim) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới.
PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng virus trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên. PrEP đã được chứng minh rất hiệu quả với ba nhóm đối tượng sau: MSM, người chuyển giới nữ (TGW), phụ nữ bán dâm.
PrEP được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017 trong khuôn khổ chương trình Prepped for PrEP (P4P) - một chương trình thí điểm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS và dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai.
Dịch vụ PrEP này nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và một tỉ lệ đáng kể tiếp tục sử dụng PrEP trong suốt 12 tháng. Từ đó đến nay, PrEP được mở rộng ra 29 tỉnh thành với hơn 200 điểm cung cấp dịch vụ.
Hiện nay có 2 hình thức sử dụng PrEP là PrEP hằng ngày (daily PrEP) và PrEP theo tình huống (ED-PrEP).
Đối với PrEP hàng ngày: là sử dụng thuốc ARV uống hàng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP hàng ngày được chỉ định cho mọi đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma tuý và vợ hoặc chồng âm tính của người có HIV (+) có tải lượng HIV trong máu trên 200 bản sao/ml.
Đối với PrEP tình huống: uống theo công thức 2-1-1. Nghĩa là uống thuốc ARV 2 viên trước khi quan hệ tình dục (QHTD) từ 2 - 24 giờ. Tiếp tục uống viên thứ 3 sau 24 giờ uống liều đầu tiên và viên thứ 4 sau 24 giờ uống liều thứ hai. "PrEP tình huống" được chỉ định dùng cho nhóm nam QHTD đồng giới và có tần suất QHTD ít (dưới 2 lần/tuần).
Tại Thừa Thiên Huế, được sự hỗ trợ của dự án Quỹ toàn cầu, sự cấp phép hoạt động của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai dịch vụ điều trị PrEP, ngay ngày đầu tiên đã có nhiều khách hàng tiếp cận với dịch vụ. Tại đây, khách hàng được cán bộ y tế tiếp đón niềm nở, thân mật và kín đáo, khách hàng được tư vấn, thăm khám, chỉ định xét nghiệm và nếu đủ tiêu chuẩn, sẽ được cấp phát thuốc điều trị và hẹn ngày tái khám. Tất cả các khâu đều được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo bí mật và hoàn toàn miễn phí.
Theo CDC tỉnh Thừa Thiên Huế, với giải pháp mới này, kết hợp với các giải pháp truyền thống như tiếp cận đồng đẳng, cung cấp bao cao su, chất bôi trơn và khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục, việc lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới sẽ giảm trong những năm tới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.