Tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Giai đoạn trước năm 1994, tại Hà Nội và một số địa phương trong cả nước cũng đã có những hoạt động nói chuyện, tư vấn và vận động hiến máu, tuy nhiên hoạt động còn nhỏ lẻ, không lan rộng. Ở giai đoạn này, mỗi năm, Việt Nam chúng ta chỉ tiếp nhận khoảng 100.000 đơn vị máu, trong đó tỉ lệ hiến máu tình nguyện đạt chưa đến 10%.
Đến năm 2023, tại Việt Nam chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc, tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu, tỉ lệ người hiến máu tình nguyện đã đạt 99%. Sau 30 năm phát động phong trào, đến nay, cả nước ta đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần thậm chí trên 100 lần; đã có hàng nghìn gia đình mà hầu hết thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện; nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến máu.
“Những năm 1990, 90% người dân đi bán máu lấy tiền. Nếu cần máu cấp cứu, người bệnh chỉ chờ vào người nhà, hoặc mua máu từ người bán” - Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội kể lại.
Tiến sĩ Trần Ngọc Quế không quên kỷ niệm cả nhóm sinh viên y khoa vận động hiến máu những năm 1990 đã bị phụ huynh của một bạn sinh viên mắng, đuổi đánh vì không đồng ý cho con hiến máu.
Với thâm niên 16 năm làm Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội (từ 1994-2010), anh Nguyễn Đức Thuận chia sẻ, bản thân anh và các sinh viên lúc bấy giờ cũng vẫn còn mơ hồ về hiến máu tình nguyện và cũng chưa dám hiến máu.
Nhưng, tình trạng thiếu máu trầm trọng, nhiều ca cấp cứu không còn cơ hội sống sót vì thiếu máu truyền, nhiều phương pháp điều trị hiện đại cũng “bó tay” vì không có nguồn máu dự trữ.
Những năm 1990, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS lúc đó bắt đầu hoành hành, nguy cơ không bảo đảm an toàn truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng khan hiếm, thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước. Bởi vậy, nhóm sinh viên đã nghĩ đến việc vận động hiến máu.
Năm 1993, một nhóm sinh viên y khoa khoảng 13 người, trong đó có sinh viên Trần Ngọc Quế, Nguyễn Đức Thuận, Ngô Mạnh Quân… đã xin với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Đỗ Trung Phấn - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương - triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về việc vận động các bạn sinh viên tham gia vận động hiến máu.
Ngày 24.1.1994, tại Bệnh viện Bạch Mai, Câu lạc bộ đã đứng ra tổ chức thành công Ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - cho rằng, 30 năm qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Năm 2023, lượng máu do Viện tiếp nhận đạt gần 500.000 đơn vị, chiếm 32% tổng lượng máu tiếp nhận toàn quốc. Trung tâm Máu Quốc gia thuộc Viện đã thực hiện tốt công tác cung cấp máu và chế phẩm máu cho 181 bệnh viện, cơ sở y tế của các tỉnh/TP khu vực phía Bắc thuộc diện bao phủ, ngoài ra còn điều phối, hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho các địa phương khác như TP.Hồ Chí Minh khi đại dịch COVID-19 bùng phát hay tại khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên (trong năm 2023) khi các địa phương này gặp khó khăn về thiếu vật tư, sinh phẩm y tế.