Các bác sĩ “gồng mình” cứu nhiều ca ong đốt suy thận, suy tạng

hà lê |

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Hiện đang là thời điểm cuối hè, đầu thu - mùa sinh sản của ong nên ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân bị ong đốt nhập viện. Hầu hết các ca ngộ độc đều nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Suy đa tạng do bị ong vò vẽ tấn công

Bệnh nhân N.T.H (47 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) đã điều trị tại Trung tâm chống độc gần 1 tháng. Bệnh nhân nhớ như in cái giây phút anh bị cả đàn ong vò vẽ lao vào tấn công. Đó là ngày 2.8, trong lúc anh đi phát nương (gần chùa bà Đanh) thì vô tình động vào tổ ong khiến chúng bung ra và lao vào anh. Anh càng chạy thì càng bị chúng bu vào đốt.

Kết quả anh bị đàn ong vò vẽ đốt khoảng hơn 50 nốt trên khắp cơ thể (30 nốt vào vùng đầu và 20 nốt vào lưng, tay, vai). 15 phút sau khi bị ong đốt, người anh nóng bừng, khó chịu, choáng váng. Anh được một người bạn chở về nhà và lấy đá chườm nhưng không đỡ. Sau đó, anh được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam rồi chuyển lên Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Bệnh nhân N.T.H được cấp cứu trong tình trạng suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt. Bệnh nhân được điều trị tích cực, truyền dịch, lọc máu, sử dụng thuốc lợi tiểu. Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, hiện tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển tốt song vẫn còn phải dùng thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp.

Ngay trong những ngày đầu tháng 9, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cứu chữa thai phụ bị ong đốt khi đang mang thai ở tuần 36. Đây là một ca ong đốt, sốc phản vệ vô cùng hy hữu, nguy kịch.

16h45 ngày 2.9, khi các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đang bàn giao các bệnh nhân cho kíp trực buổi tối thì đội cấp cứu ngoại viện thông báo: Tại địa bàn xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ bệnh nhân Vũ Thị Kim Huệ đang mang thai ở tuần 36 bị ong đốt. Khi các nhân viên y tế tiếp cận được thì bệnh nhân trong trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, nghe phổi có tiếng thở rít do phù nề thanh môn cấp và bắt đầu rối loạn ý thức, bệnh nhân đang ở giai đoạn tiền hôn mê.

Tại hiện trường các bác sĩ xác định bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc phản vệ rất nặng do ong đốt. Bệnh nhân được tiêm thuốc chống sốc nhưng tình trạng sốc phản vệ vẫn tiếp tục có chiều hướng xấu hơn. Các bác sĩ xác định đây là trường hợp sốc phản vệ đặc biệt nghiêm trọng và rất khó xử trí vì bệnh nhân đang mang thai, mỗi mũi tiêm chống sốc cho mẹ lại là điều bất lợi cho thai nhi. Ngay sau khi nhận được thông tin, xác định bệnh nhân có thể phải mổ cấp cứu để cứu sản phụ và cứu thai nhi, Ban giám đốc đã phát động “báo động đỏ” trong toàn bệnh viện.

Do tác dụng của các thuốc cấp cứu đối với mẹ, thai nhi cũng đã rơi vào tình trạng xấu, mạch nhanh và đang diễn biến theo chiều hướng suy thai. Trước tình trạng hết sức nguy cấp, các bác sĩ đã hội ý rất khẩn trương và quyết định mổ lấy thai càng nhanh càng tốt, đây là biện pháp duy nhất để có thể cứu cả sản phụ và thai nhi.

Đúng như dự đoán, thai nhi sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, niêm mạc nhợt nhạt, da toàn thân tím tái đáp ứng phản xạ yếu, nhịp tim chậm. Sau 15 phút hồi sức tích cực sơ sinh đáp ứng tương đối tốt. Bé được lưu tại buồng hồi sức sơ sinh dưới sự giám sát đặc biệt của các bác sĩ. Người mẹ được cấp cứu kịp thời.

Đừng đùa với ong đốt

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, thời điểm chuyển mùa như hiện nay, ong sinh sôi rất nhiều. Số ca bị ong đốt cũng gia tăng. Nếu như mùa đông xuân, ít có bệnh nhân ngộ độc do ong đốt thì hiện ngày nào Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận 3 - 4 ca nặng. Tùy loài ong mà nọc độc ít hay nhiều. Có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với vài vết đốt như ong vò vẽ, ong đất, ong bầu. Những ca bệnh vào cấp cứu trong thời gian này hầu hết đều nặng, nhiều ca qua khỏi phải điều trị kéo dài.

Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong. Tuyến bên trái chứa chất kiềm lỏng, tuyến bên phải chứa chất toan lỏng (axit). Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholine. Tùy từng loại ong mà nọc ong có mức độ độc ít hay độc nhiều, trong đó ong mật gần như không độc. Nhưng nếu bị ong vò vẽ tấn công, chỉ khoảng vài chục vết đốt thì sẽ gặp nguy hiểm tính mạng. Trong các loại nọc ong, nọc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất. Sau khi đốt xong, chúng không để lại vòi như ong mật nên không chết ngay mà có thể đốt thêm nhiều người nữa.

Nhiều trường hợp đi nương hoặc ở nhà đột nhiên do vô tình bị ong đốt, trong trường hợp này, chớ chủ quan xem thường. Không hiếm trường hợp do bị ong đốt không xử lý kịp thời và đúng cách dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng, nhất là với trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng, chịu đựng kém, người có mẫn cảm với phấn hoa. Vì vậy, trong trường hợp bị bị ong đốt, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và theo dõi điều trị.

Đặc điểm của ong đốt bao gồm mẩn đỏ, ngứa, đau. Nốt chích của ong vò vẽ có dấu hiệu hoại tử. Triệu chứng toàn thân gồm phù, mặt đỏ, ngứa, có thể kèm các triệu chứng của suy hô hấp, suy tuần hoàn, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, huyết áp tụt, có thể có tiếng thở rít do phù nề thanh môn cấp, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn ý thức, hôn mê và tử vong.

“Phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: Số lượng vết đốt nhiều (trên 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi; Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng; Nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như: Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều... Nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: Bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc... có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bên cạnh việc phòng ngừa chúng ta cần biết cách xử trí đúng cách khi bị ong đốt để xử lý kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm”, ThS. BS Nguyên khuyến cáo.

Các bước xử trí khi bị ong đốt như sau:

- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.

- Lấy vòi đốt của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi đốt và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.

- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.

- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

- Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.

hà lê
TIN LIÊN QUAN

Phát "báo động đỏ" toàn bệnh viện để giành sự sống cho hai mẹ con bị ong đốt

LH |

Đang mang thai ở tuần 36, thai phụ Vũ Thị Kim Huệ (ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) bị ong đốt nguy kịch. Thai phụ đã được các bác sĩ Bệnh viện (BV) đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ cứu sống thành công.

Bác sĩ "bội thực" bệnh nhân ngộ độc do ong đốt

L.Hà |

Thời điểm này, ngày nào Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng tiếp nhận 3-4 ca ngộ độc do ong đốt. Hầu hết các ca ngộ độc đều nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

23 người nhập viện do bị ong đốt

ANH ĐỨC |

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ đã cấp cứu cho 23 bệnh nhân bị ong đốt. 

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Phát "báo động đỏ" toàn bệnh viện để giành sự sống cho hai mẹ con bị ong đốt

LH |

Đang mang thai ở tuần 36, thai phụ Vũ Thị Kim Huệ (ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) bị ong đốt nguy kịch. Thai phụ đã được các bác sĩ Bệnh viện (BV) đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ cứu sống thành công.

Bác sĩ "bội thực" bệnh nhân ngộ độc do ong đốt

L.Hà |

Thời điểm này, ngày nào Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng tiếp nhận 3-4 ca ngộ độc do ong đốt. Hầu hết các ca ngộ độc đều nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

23 người nhập viện do bị ong đốt

ANH ĐỨC |

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ đã cấp cứu cho 23 bệnh nhân bị ong đốt.