Người tâm thần và những đơn thuốc “uống cho có”:

Bí mật buốt lòng phía sau vòng xích cổ

Lãng Quân |

Tỉnh Cao Bằng có một “điểm nóng người tâm thần” rất đặc biệt, nằm ở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên. Cái xã miền núi đẹp và vốn cực kỳ thanh bình này, mấy thập niên qua “bỗng dưng” xuất hiện quá nhiều bệnh nhân tâm thần, đến mức, như Lao Động từng phản ánh, bà con và nhiều người biết chuyện phải thốt lên “Nơi Hạnh Phúc chỉ có ở tên gọi” (tên phóng sự đã đăng ngày 12.2.2017).

20 năm vẫn bị xích cổ - dù uống thuốc đều đặn, đúng liều!

Mấy thập niên qua, lúc cao điểm bà con ở đây đã phải chứng kiến tới hơn 20 người tâm thần phân liệt, bị xích cổ, xích chân tay, bị đóng cũi, dựng lều bỏ ra ngoài bìa núi biệt lập. Không ít người tâm thần đã hoặc là giết chết hàng xóm, hoặc giết chính vợ mình hoặc mổ bụng moi ruột chính mình ra, tấn công gây thương vong cho nhiều nạn nhân vô tội.

Sau khi các bài viết được Lao Động đăng tải, ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Vài người được tháo dây xích, phá cũi đưa đi chữa trị, giờ đang được chăm sóc tại “trại” tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Và, từ các cuộc “giải phóng” này, sự thật đã bất ngờ lộ ra. Đó là việc quản lý các bệnh nhân tâm thần cực kỳ lỏng lẻo và không theo một quy chế khoa học nào cả. Thuốc không được cho uống hoặc cho uống chỉ một loại rẻ tiền, cũ kỹ, “cho nó vui”, chứ hầu như “không thể nào có tác dụng điều trị hiệu quả như cần phải có được”. Sự thật này, khiến cho người tâm thần không được “cắt cơn”, hoang tưởng, ảo giác, cầm dao cầm gậy giết chết người, như Đ.V.T giết chết hàng xóm, V.V.T dùng chày gỗ đập chết vợ; vài người bị “biệt giam” trong trại tâm thần sau khi gây án. Nhiều người vẫn sống điên rồ, cuồng loạn, bất chấp người xung quanh "sợ xanh mắt mèo", như trường hợp người điên tên là Đ.V.N (ở xóm Bó Huy). Khi chúng tôi có mặt, anh ta phăm phăm cầm dao đi chặt cây phầm phập, vục mặt vào thứ nước đục như bùn để rửa, nhặt gà chết thối inh về nấu ăn. Không ít người như V.V.T, hầu như chưa từng uống một viên thuốc tâm thần nào, cho dù anh ta vẫn được nhốt mấy chục năm qua ngay cạnh ban thờ người vợ quá cố do chính anh ta giết chết. Có anh như P.V.C (ở xóm Lũng Luông) bị xích cổ bằng khóa sắt, dây sắt to, dài, vẫn uống thuốc đều đặn gần 20 năm qua, song hầu như chỉ một loại thuốc điều trị duy nhất tên là “Aminazin” đã lỗi thời, giá cực rẻ và các chuyên gia trả lời phỏng vấn chúng tôi đều trả lời là “nó không thể chữa được các triệu chứng tâm thần phân liệt, uống thuốc mãi mà vẫn bị xích nhốt và điên rồ là dĩ nhiên!”.

L.V.C trước khi chúng tôi vào cuộc kiến nghị, anh ta bị xích chân, trần truồng, cách ly khỏi gia đình, dù vẫn đều đặn uống thuốc của bảo hiểm y tế trong nhiều năm.
L.V.C trước khi chúng tôi vào cuộc kiến nghị, anh ta bị xích chân, trần truồng, cách ly khỏi gia đình, dù vẫn đều đặn uống thuốc của bảo hiểm y tế trong nhiều năm.

Nếu sự thật đúng như trên, xin hỏi, lỗi là do ai?

Đồng loạt cho uống thuốc không phải để... chữa bệnh?

Chúng tôi đến nhà anh P.V.C (SN 1965, người dân tộc Tày, ở xóm Lũng Luông, xã Hạnh Phúc) vào ngày 6.12.2019. Trên nhà sàn rách nát ở cuối xóm, anh bị xích cổ với sợi dây sắt to, chiếc khóa sắt đen bóng do mồ hôi anh bám vào suốt gần 20 năm qua. Phó Bí thư Đảng ủy xã cắt cử một cán bộ kỳ cựu dẫn nhà báo vào thăm và tặng quà, chưa kịp hỏi gì, cả mẹ và vợ anh C đều khóc tức tưởi. Họ bảo, quá tủi thân.

Anh Cọng có đủ 2 cuốn “Sổ điều trị ngoại trú tâm thần và động kinh”, sau khi anh tự tay đâm thủng bụng mình và moi ruột ra. Lần nữa, anh lại điên rồ đâm thủng bụng vợ mình và bị cả xóm vây bắt truy đuổi để chặn các hành vi thảm sát trong cơn hoang tưởng điên loạn ấy. Quá lo sợ, bà con bàn nhau xích anh Cọng vào. Lúc đầu là xích tay chân, sau anh đều tìm cách lỗng xích trốn đi. Thấy quá nguy hiểm, mọi người đã quyết định cho vợ anh về nhà ngoại lánh nạn dài ngày, rồi kiếm một sợi xích sắt to, cái khóa Việt Tiệp xịn, xích cổ anh lại. Ai cũng sợ, nếu anh lỗng ra, anh sẽ cầm dao nhọn đi trả thù tất cả những ai đã vây bắt mình năm xưa.

Các đơn thuốc giống nhau trên diện rộng, trong nhiều năm và hết sức đơn giản, được các chuyên gia cho rằng không thể chữa được tâm thần phân liệt.
Các đơn thuốc giống nhau trên diện rộng, trong nhiều năm và hết sức đơn giản, được các chuyên gia cho rằng không thể chữa được tâm thần phân liệt.
Các đơn thuốc giống nhau trên diện rộng, trong nhiều năm và hết sức đơn giản, được các chuyên gia cho rằng không thể chữa được tâm thần phân liệt.

Nếu anh C đã phát bệnh từ năm 1997, gây nhiều trọng án như vậy, sao suốt 22 năm qua, cơ quan hữu trách không làm hết trách nhiệm của mình, là đưa anh đi cắt cơn, chữa trị dứt điểm! Nếu được điều trị tốt, chắc chắn bệnh của anh Cọng không mạn tính đáng sợ như bây giờ.

Mẹ già, vợ cùng đàn con của anh Cọng rất có trách nhiệm. Họ đều đặn đi lấy thuốc cho anh uống suốt hàng chục năm qua, song bệnh của anh không có chiều hướng suy giảm tí nào. Có hai lý do: Cho uống thuốc sai cách, hoặc thuốc không hiệu quả do chưa đủ liều hoặc chưa đúng loại thuốc tốt. Theo dõi sổ mà vợ anh C giữ thì gia đình đi lấy thuốc rất đều; thẻ bảo hiểm giữ gìn tốt, từ năm 2003 đến năm 2008, 2009, 2010, 2011... và đến 2019 này, gia đình đều đi lấy thuốc, có đơn thuốc, có bác sĩ ký bên dưới đàng hoàng. Từ BS “Nông Chấn Ích” đến “BS Việt”, “BS Đoàn Ngọc Quỳnh”. Vợ anh C bảo, chị dành tất cả để lo cho chồng bao năm qua, việc quan trọng nhất là uống thuốc và đi xe khách 10.000 đồng/lượt từ xã lên huyện để “xin” thuốc theo bảo hiểm, làm sao chị lơ là được. Theo 2 cuốn sổ gia đình đang lưu, chỉ có duy nhất dịp 3.7.2019, ở y tế huyện Quảng Uyên, BS Đoàn Ngọc Quỳnh có kê cho anh C đơn thuốc gồm “Tisercin”, còn lại, hầu hết chỉ một loại thuốc tên là “Aminazin 25mg”, “Ngày 4 viên chia 2 lần uống”. Cá biệt, “rộng rãi” lắm thì có lần thêm Vitamin B1. Gia đình anh C vô cùng nghèo khó, dĩ nhiên không biết và cũng không tài nào có tiền đi mua thêm loại thuốc nào nữa.

V.T.A trước khi được tháo xích đưa đi cơ sở điều trị tâm thần.
V.T.A trước khi được tháo xích đưa đi cơ sở điều trị tâm thần.

Vậy, thuốc “Aminazin 25mg” có tác dụng chữa tâm thần phân liệt thể nặng như anh C không? Đó có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng, thuốc cứ uống và xích cứ xích cổ, lên cơn cứ lên cơn giết người như bao năm qua không? Khảo sát với các bệnh nhân đặc biệt bị nhốt xích đã nhiều năm khác, chúng tôi cũng nhận được kết quả tương tự. Đ.V.T giết người khi có sổ tâm thần và được uống thuốc hẳn hoi. Bệnh nhân S.Đ.H (ở xã Phi Hải) bên cạnh, cũng dùng thuốc “Aminazin 25mg” kèm thuốc Haloperidol 1,5mg (BV Đa khoa Quảng Uyên kê ngày 12.11.2018). Trước đó 1 tháng, anh Huy cũng nhận đơn thuốc giống hệt thế này từ bệnh viện (BV) trên, do người kê khác tên là “N.B.H”. Tuy nhiên, bố của H tuổi ngoài 70, tỏ ra rất chán nản và tuyệt vọng, vì thuốc uống đúng liều mà chả có tác dụng gì ngoài... ngủ li bì. Chán quá, ông liều mạng cho con uống 5-6 viên Aminazin 25mg “thử xem có tác dụng gì không!”. Câu trả lời vẫn là tuyệt vọng. Khảo sát 28 bệnh nhân tâm thần ở xã Phi Hải, chúng tôi cũng nhận được các đơn thuốc hầu như giống hệt nhau và giống như đã mô tả ở trên. Có khi, hai bệnh nhân mức độ và biểu hiện bệnh khác hẳn, cũng “chơi” chung một cái đơn với “thần dược Aminazin” là xong.

Nghiên cứu các đơn thuốc mà chúng tôi chụp lại, TS Tô Thanh Phương, sau khi lên Cao Bằng khảo sát, trả lời phỏng vấn chúng tôi với tư cách là Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương, đã quả quyết: “Thuốc cổ điển như trên thì không thể chữa được các triệu chứng của tâm thần phân liệt, do vậy phải xích bệnh nhân mãi là đúng thôi”.

L.V.C vui vẻ sống trong phòng với nhiều người khác, thoát khỏi kiếp bị xích nhốt như tội đồ thời Trung cổ, nhờ cán bộ thay cho anh đơn thuốc.
L.V.C vui vẻ sống trong phòng với nhiều người khác, thoát khỏi kiếp bị xích nhốt như tội đồ thời Trung cổ, nhờ cán bộ thay cho anh đơn thuốc.

Theo chân “người điên” để xem họ uống thuốc gì

Chúng tôi càng tin vào nhận định “bất ngờ” trên, khi tiếp tục theo chân các bệnh nhân điên loạn nhất từ xã Hạnh Phúc về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. L.V.C là một trong số các bệnh nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng “hạ lệnh” đưa rời bản Nà Luông về tỉnh để chữa trị. Nay Cải đã được tháo xích, ở tập thể với vài người khác nữa, tự sinh hoạt và giao tiếp khá tự tin. Tương tự, hai anh em V.T.A và V.V.Đ (được “giải cứu” cùng đợt) cũng không bị trói xích hay phá phách nữa. Vì sao có sự “thần kỳ” như vậy, sau hàng chục năm 3 bệnh nhân trên vẫn cứ uống thuốc đều và vẫn cứ sống trong cũi, hoặc bị xích “dưới mức được ứng xử của một con người”?! Câu trả lời được cán bộ, lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội đưa ra rất đơn giản: Cho uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách. Số loại thuốc mà họ được uống là 3 loại, trong đó “anh chàng” Aminazin kể trên chỉ là một thành viên (thay vì là thứ thuốc duy nhất như bảo hiểm vẫn cung cấp ở nhà!). Mỗi ngày 2 lượt, cán bộ y tế của trung tâm cầm chai nước, cái cốc và túi thuốc xuống tận mỗi phòng bệnh nhân, đưa thuốc, rót nước, yêu cầu “anh (chị) uống trước mặt cho chúng em xem nào”.

Đ.V.N ở một mình, hết sức điên loạn, là nỗi sợ của bà con xung quanh.
Đ.V.N ở một mình, hết sức điên loạn, là nỗi sợ của bà con xung quanh.

Theo phân tích của TS Bùi Quang Huy, với tư cách Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, đã đăng trên báo Sức khỏe Đời sống (của Bộ Y tế), thì: “Aminazin là một loại thuốc an thần cổ điển hiện vẫn được dùng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Aminazin có tác dụng an dịu mạnh, nhưng tác dụng chống loạn thần yếu. Vì thế, thuốc có hiệu quả cao cho hội chứng hưng cảm, nhưng ít kết quả khi dùng điều trị hoang tưởng và ảo giác.

Ngoài ra, thuốc còn gây ra trầm cảm, do vậy không được dùng cho các trường hợp tâm thần phân liệt có trầm cảm.

Aminazin được khuyến cáo hạn chế sử dụng, tiến tới thay thế bằng các loại thuốc an thần khác vì: Chúng có tác dụng chống loạn thần yếu; tác dụng phụ rất nhiều; chúng làm nặng thêm các bệnh nhân tâm thần phân liệt có trầm cảm kết hợp. Số bệnh nhân này chiếm tới 50% số bệnh nhân tâm thần phân liệt. Thuốc này cũng làm nặng thêm các bệnh nhân có triệu chứng âm tính như cùn mòn cảm xúc, mất ý chí, ngôn ngữ nghèo nàn. Bệnh tâm thần phân liệt vốn là bệnh mạn tính, các bệnh nhân dần dần sẽ có các triệu chứng âm tính nặng dần theo thời gian...”.

Vậy, có phải tỉnh Cao Bằng quá nghèo và quỹ bảo hiểm quá ít nên người ta đã cung cấp thuốc “cổ điển”, “không điều trị hiệu quả” để chữa trị cho các bệnh nhân điên loạn đến giết người, tự mổ bụng moi ruột mình rồi bị xích nhốt đóng cũi hàng chục năm trời như thế kia không? Nếu thiếu tiền, xin cứ báo cáo, nếu thiếu thuốc xin hãy trình bày.

Bí mật buốt lòng ở phía sau sợi dây xích trói người điên là đây chăng? Nếu chỉ cần chỉnh đơn thuốc như trên, mà bao số phận người và nỗi thê lương trong gia đình họ suốt hàng chục năm qua thay đổi, thì tỉnh Cao Bằng cứ thống kê các trường hợp thiếu thuốc ở xã Hạnh Phúc đi, chúng tôi hứa sẽ có biện pháp để giúp họ tháo cũi, tháo xích như các trường hợp V.T.A, V.V.Đ và L.V.C... ở trên.

Chúng tôi đang tiếp tục đi tìm câu trả lời cho thảm trạng này.

Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.