Bệnh viện đổ bỏ 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư: Thủ tục nhập khẩu rườm rà, bệnh nhân “khát” thuốc

Khương Quỳnh |

Mất đúng 1 năm, cơ quan chức năng mới hoàn thành thủ tục để BV Truyền máu Huyết học (TPHCM) nhận được thuốc đặc trị ung thư Tasigna - loại thuốc nằm trong chương trình viện trợ. Trong thời gian chờ đợi thuốc nhập về, nhiều bệnh nhân ung thư đã tử vong vì thiếu thuốc. Cũng bởi thời gian nhập thuốc quá dài dòng mà khi thuốc về đến nơi, hạn sử dụng chỉ còn… 10 tháng, BV buộc phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc đắt đỏ này trong khi nhiều bệnh nhân nghèo “năn nỉ” được sử dụng.

Mất 1 năm để nhập thuốc, nhập xong đem đi hủy gây lãng phí hàng tỉ đồng

Mới đây, Thanh tra TPHCM đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng và quyết toán thuốc viện trợ tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM. Kết quả thanh tra cho thấy, đến ngày 31.12.2015, kho thuốc của bệnh viện còn tồn kho 19.997 viên Tasigna 200mg thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5.2015 với tổng trị giá gần 14 tỉ đồng (theo đơn giá là 700.000 đồng/viên).

Đây là số thuốc đặc trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án. Đó là thông tin đau lòng và gây bức xúc cho nhiều người, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh ung thư bạch cầu mạn dòng tủy. Bởi bệnh nhân không dễ dàng gì mua được thuốc đắt đỏ và phân phối độc quyền như Tasigna. Trong khi đó, nếu không có thuốc này hoặc không được ghép tủy kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Ngày 3.5, BS CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM đã có buổi trao đổi với phóng viên. BS Dũng cho biết, trước đây, bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy được điều trị bằng thuốc Glivec trong chương trình GPAP. Loại thuốc này hoàn toàn miễn phí ngay cả với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã bị kháng thuốc này và cần sử dụng loại thuốc thay thế là Tasigna. Lúc đó, tại thị trường Việt Nam chưa có loại thuốc này.

BV Truyền máu Huyết học TPHCM là BV đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình Tasigna copay vì mục đích nhân đạo dành cho người mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy kháng Glivec. Chương trình có 3 bên gồm BV Truyền máu và Huyết học TP, Tổ chức The Max Foundation - Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG-Thuỵ Sĩ lập biên bản ghi nhớ chương trình hỗ trợ bệnh nhân Việt Nam dùng thuốc theo thoả thuận tài trợ. Theo đó, giá thuốc Tasigna được giảm xuống còn 199.000 đồng/viên chứ không phải 700.000 đồng theo giá của nhà cung cấp.

Theo ước tính đến cuối tháng 7.2013 thì chương trình GPAP có khoảng 25% người bệnh kháng thuốc Glivec, tương đương khoảng 200 người cần được điều trị tiếp tục bằng thuốc Tasigna. Tuy nhiên, do đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam và quy định cần có sự đồng chi trả của người bệnh khoảng 42 triệu đồng/năm nên BV ước tính sẽ có khoảng 50 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia.

BV đã làm thủ tục để gửi đến Cty Novartis cho nhập khẩu 34.608 viên thuốc Tasigna 200mg. Theo giải thích của BS Phù Chí Dũng, vào ngày 26.11.2013, bệnh viện mới nhận được bộ chứng từ để đi làm các thủ tục xin phép cơ quan chức năng bao gồm: Sở Y tế TPHCM, Liên hiệp Hữu nghị, UBND TPHCM, Cục Quản lý dược, Sở Tài chính. Và phải đến gần 8 tháng sau, ngày 21.7.2014, BV mới nhận được văn bản đồng ý của Sở Tài chính và báo Cty Novartis chuyển thuốc về Việt Nam.

Một tuần sau thuốc về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, Hải quan TPHCM không đồng ý cho BV nhập thuốc về với lý do… hạn dùng dưới 12 tháng (theo quy định là thuốc phải có hạn sử dụng trên 12 tháng mới được nhập). BV phải gửi công văn trình Sở Y tế rồi Bộ Y tế và Cục Hải quan để được hỗ trợ. Sau nhiều lần đề xuất, cuối cùng, Cục Hải quan mới đồng ý cho BV nhập thuốc về để “kịp thời cho người bệnh”.

Vậy là sau một quy trình thủ tục lằng nhằng, gần 12 tháng sau, vào ngày 13.8.2014, BV mới được nhập thuốc về. Đến thời điểm này, hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng: “Đã có 5 - 10 bệnh nhân nằm trong chương trình tử vong trong thời gian chờ nhập thuốc về”. BS Phù Chí Dũng khẳng định.

Thà tiêu hủy thuốc chứ không cho bệnh nhân sử dụng miễn phí

BS Dũng cũng cho rằng, nguyên nhân phải hủy thuốc một cách đau lòng như trên là vì Tasigna là loại thuốc đầu tiên trên thị trường Việt Nam nên thủ tục nhập về khá lằng nhằng và kéo dài. Một lý do nữa, có lẽ là vì thuốc viện trợ nên lô thuốc do phía Cty cung cấp còn hạn sử dụng ngắn hơn bình thường.

Khi thuốc về, chương trình Tasigna Copay chính thức bắt đầu với 26 người bệnh tham gia. Tức là 24 người bệnh không tham gia được vì không đủ tiền chi trả 42 triệu đồng/năm theo quy định.

  BS Phù Chí Dũng - Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TPHCM. Ảnh: K.Q

 

Với số lượng bệnh nhân tham gia chỉ bằng một nửa so với dự kiến nên đã không sử dụng kịp số thuốc trước thời gian hết hạn: “Chúng tôi đã nhìn thấy khả năng hủy thuốc rất cao nên đã tổ chức nhiều cuộc họp với nỗ lực không lãng phí thuốc. BV đã đề xuất với phía Cty miễn luôn quy định bệnh nhân phải đồng chi trả 42 triệu đồng với mục đích cho nhiều bệnh nhân nghèo được dùng thuốc. Nhưng phía Cty nhất quyết không đồng ý. Thậm chí, họ nói thà hủy thuốc hết hạn chứ không cho sử dụng miễn phí như đề xuất của BV chỉ vì chính sách vùng khó thay đổi. Không lay chuyển được phía Cty, BV đã đề nghị mở rộng chương trình để cho các bệnh nhân ở BV khác được tham gia nhưng cũng không được đồng ý”.

Sau bài học đau thương này, BV cho biết, đã làm việc với Cty và Cty cũng đã làm việc với Bộ Y tế để mở chương trình mới cho người bệnh là VPAP 2. Theo đó, chương trình sẽ ưu đãi cho bệnh nhân bạch cầu mạn dòng tủy kháng Glivec đã tham gia BHYT trên 3 năm. Bệnh nhân sẽ không phải đồng chi trả nữa mà được Cty chi trả 60% giá thuốc và BHYT chi trả 40%. Và chương trình cũng đã mở rộng tại 8 bệnh viện để nhiều bệnh nhân mắc bệnh được tham gia.

Riêng tại BV Truyền máu Huyết học có 150 người bệnh đủ điều kiện đã tham gia VPAP: “Cơ quan chức năng hứa lô thuốc sau sẽ hoàn thành thủ tục nhập khẩu trong vòng 3 tháng. Chúng tôi cũng đề xuất phía Cty dược cung cấp thuốc có hạn sử dụng dài hơn” - BS Phù Chí Dũng nói.

Ngày 3.5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản số 6110/QLD-KD gửi Sở Y tế TPHCM đề nghị làm rõ thông tin về việc BV Huyết học và Truyền máu TPHCM phải tiêu huỷ 20.000 viên thuốc tài trợ Tasgina đặc trị ung thư hết hạn sử dụng do chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương rà soát và báo cáo sự việc bằng văn bản về Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý Dược) trước ngày 7.5.2017.


Khương Quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ việc để hết hạn lô thuốc ung thư gần 14 tỉ đồng

Thùy Linh |

Ngày 3.5, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có văn bản số 6110/QLD-KD gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Hồ Chí Minh phải tiêu huỷ 20.000 viên thuốc tài trợ Tasgina đặc trị ung thư hết hạn sử dụng do chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền.

Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư vú chiếm tới hơn 85%

Thùy Linh |

Nhờ áp dụng những thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị, hiện nay nhiều bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm với tỷ lệ sống trên 5 năm tới 85,6% so với tỷ lệ 67,7% ở những năm 1990 tại Bệnh viện K.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có gần 200.000 ca ung thư mắc mới

THÙY LINH |

75.000 người Việt Nam chết do ung thư mỗi năm, 200 người chết mỗi ngày. Đó là nỗi đau lớn mà nhiều gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu. Chưa dừng lại ở đó, người mắc bệnh ung thư thì khó sống, còn người ở lại tiếp tục phải oằn mình trả nợ.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ việc để hết hạn lô thuốc ung thư gần 14 tỉ đồng

Thùy Linh |

Ngày 3.5, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có văn bản số 6110/QLD-KD gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Hồ Chí Minh phải tiêu huỷ 20.000 viên thuốc tài trợ Tasgina đặc trị ung thư hết hạn sử dụng do chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền.

Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư vú chiếm tới hơn 85%

Thùy Linh |

Nhờ áp dụng những thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị, hiện nay nhiều bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm với tỷ lệ sống trên 5 năm tới 85,6% so với tỷ lệ 67,7% ở những năm 1990 tại Bệnh viện K.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có gần 200.000 ca ung thư mắc mới

THÙY LINH |

75.000 người Việt Nam chết do ung thư mỗi năm, 200 người chết mỗi ngày. Đó là nỗi đau lớn mà nhiều gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu. Chưa dừng lại ở đó, người mắc bệnh ung thư thì khó sống, còn người ở lại tiếp tục phải oằn mình trả nợ.