Ngày 24.10, Ths.Bs Đỗ Thị Thu Giang, Trưởng khoa Nhi, BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: bệnh nhi La Kim H, 10 tháng tuổi, ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang được chẩn đoán sốt mò, suy đa phủ tạng, tràn dịch đa màng, tiểu cầu, bạch cầu giảm, tiên lượng nặng. Các bác sỹ đã dùng các thuốc kháng sinh kết hợp để điều trị cho bệnh nhi H. Hiện tại, bệnh nhi đã giảm sốt, tiếp tục được điều trị tích cực và theo dõi sát thể trạng tại phòng Cấp cứu của khoa Nhi.
Gia đình bệnh nhi H. cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bà nội ngoại đều ở xa, bố đi bộ đội, nhà có mỗi 2 mẹ con chăm nhau. Mỗi lần mẹ đi làm ruộng, làm nương đều phải địu bé H. đi cùng. Cách đây 14 ngày, thấy bé H. tự nhiên bị sốt nên gia đình cho ở nhà tự uống thuốc hạ sốt, sau 4 ngày không khỏi đã đưa bé đến BV đa khoa khu vực Yên Hoa để điều trị, sau 10 ngày, không đỡ, bé đã được chuyển tuyến đến BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang để điều trị.
Theo Ths.Bs Đỗ Thị Thu Giang, sốt mò hay còn gọi là sốt phát ban bụi rậm do Rickettsia tsuisugamushi gây nên sốt cấp tính, đau đầu dữ dội và nổi hạch. Đây là bệnh do bị ấu trùng mò (thường sống ở gần bờ bụi, gốc cây, các nơi ẩm thấp) đốt. Ở chỗ mò đốt, lúc đầu có tổn thương gồm một vết loét có đóng vảy trên da rất điển hình, sau đó bắt đầu sốt. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tỷ lệ tử vong của bệnh sốt mò có thể chiếm khoảng từ 1-60%.
Lúc đầu bị đốt, bệnh nhân chỉ có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, nhưng sau 6 - 21 ngày, người bệnh có thể sốt cao liên tục, kéo dài 15-20 ngày, có khi rét run 1-2 ngày đầu kèm theo nhức đầu nặng, đau mỏi cơ và nhiều nốt loét trên cơ thể...
Bác sỹ khuyến cáo: Khi đi rừng, người lớn và trẻ nhỏ đều cần mặc quần áo dài, đi ủng, nếu sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt lạ, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sỹ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.