Hôm qua (ngày 8.5), tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết Nghị định ban hành cuối năm 2023 sẽ có thay đổi quan trọng là yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh.
Theo đó, tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi, trong đó quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài giống như các nền tảng trong nước. Nếu không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ ngăn chặn.
Đặc biệt, Nghị định của Chính phủ thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng được ban hành trong năm nay, sẽ yêu cầu các chủ tài khoản mạng xã hội thực hiện định danh, dù sử dụng nền tảng của nước ngoài như Facebook, Tiktok, Youtube hay nền tảng trong nước. Tài khoản không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý ở các mức độ khác nhau.
Ý tưởng này của Bộ Thông tin và Truyền thông, trước hết là để giải quyết những bất cập, khó khăn trong việc xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật do một số đối tượng phạm tội sử dụng tin nhắn bằng ứng dụng OTT xuyên biên giới.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm, đồng tình và hy vọng đích đến của yêu cầu này không chỉ gói gọn trong việc xác minh tội phạm.
Bởi thực tế, mạng xã hội, đặc biệt là các mạng sử dụng nền tảng của nước ngoài như Facebook, Tiktok, Youtube… đã và đang cho thấy nhiều bất cập và hệ luỵ.
Trên Facebook thì vàng thau lẫn lộn khi có hàng chục triệu tài khoản ảo được lập ra chỉ với mục đích đi kích view, bình luận bậy, thậm chí là tạo nhóm để định hướng dư luận hoặc vùi dập một ai đó.
Trên Youtube và đặc biệt là Tiktok đang ngập ngụa “rác” mà gần nhất là đoạn nhạc chế được biến tấu từ bài thơ Lượm của Tố Hữu, ghép với những video phản cảm đã thành trend cùng những clip triệu view, xuất hiện tràn lan trên TikTok, nhưng lại được các bạn trẻ thi nhau sử dụng, chia sẻ.
"Rác" trên TikTok ở Việt Nam thời gian qua đã được cơ quan chức năng nhận định là "sai phạm".
Và theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc...
Người dùng và chơi mạng xã hội, không chỉ cần có văn hoá mà cần có cả trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm đối với những lời nói, câu chữ, hành động… của mình trên đó.
Điều này trước hết là ý thức của người sử dụng, người chơi. Nhưng nếu không thể trông chờ vào văn hoá và ý thức thì sự vào cuộc để siết chặt và xử lý như kiểu đã và đang xử lý sim rác, tin rác trên điện thoại của cơ quan chức năng là cần thiết.