Doanh nghiệp yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, còn “nếu người lao động thực sự có nhu cầu làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ... thì làm đơn xin nghỉ việc để Tổng Công ty/đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định của pháp luật”.
Yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch là không sai nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19, nhu cầu làm thêm việc, kiếm thêm thu nhập cũng là một nhu cầu chính đáng. Nhưng việc ban hành một văn bản có những câu chữ lạnh lùng đến vô cảm đối với người lao động rõ ràng là khó chấp nhận.
Rất may, với một sự cầu thị, văn bản ấy nhanh chóng bị thu hồi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong nhiều cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo “đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là chủ quan nhưng không lo sợ hoảng hốt, mất bình tĩnh. Phải tỉnh táo, khôn khéo, xử lý công việc sáng tạo, linh hoạt, bám sát tình hình dịch bệnh” và đặc biệt “không áp dụng những biện pháp cực đoan, thái quá”.
Ngày 14.6, người đứng đầu Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành liên quan “Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội”.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê: Chỉ riêng quý I/2021, trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Con số đưa ra để thấy chỉ thị của Thủ tướng là cấp bách, kịp thời và việc đảm bảo quyền lợi, thu nhập cho người lao động ứng phó với dịch bệnh cần một giải pháp đồng bộ chứ không phải những văn bản cấm đoán lạnh lùng, vô cảm.