Hai hình ảnh gần như trái ngược nhau hoàn toàn này, cũng phù hợp với các con số thống kê về lượng khách của hai địa phương trong dịp lễ 30.4 -1.5 vừa qua.
Trong khi thành phố Sầm Sơn đón đến hơn 900.000 lượt khách thì ngược lại thành phố Phú Quốc chỉ đón khoảng 125.860 lượt khách.
Và Phú Quốc cũng gần như là điểm đến duy nhất trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày này, lượng khách đến du lịch không được như kỳ vọng, dù trước đó, công tác chuẩn bị rất kỹ.
Nhưng nếu chỉ căn cứ vào lượng khách trong một kỳ nghỉ để so sánh, nói về sự hơn thua trong du lịch của Phú Quốc và Sầm Sơn hay với nhiều địa phương khác là khập khiễng, bởi có sự khác nhau về rất nhiều thứ có tính cơ bản.
Trong khi đảo Phú Quốc nằm ở ngoài khơi trong khu vực vịnh Thái Lan, thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, phía Tây Nam Việt Nam. Còn thành phố Sầm Sơn đang sở hữu một bãi biển luôn đông khách nhất miền Bắc và chỉ cách “nguồn khách” Hà Nội khoảng 3 giờ đi xe.
Tuy vậy, có những con số khác rất liên quan và cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến du lịch Phú Quốc “trống vắng” trong kỳ nghỉ vừa rồi chính là giá vé máy bay quá cao.
Một cặp vé khứ hồi Hà Nội – Phú Quốc trong những ngày nghỉ lễ vừa qua có giá từ 7,5 - 8 triệu đồng. Với giá này, một gia đình bốn người ở Hà Nội muốn du lịch Phú Quốc phải chi ít nhất khoảng 30 triệu đồng chỉ riêng cho tiền đi lại, chưa tính ăn ở và nhiều dịch vụ khác.
Trong khi với chừng đó tiền, họ có thể “bung lụa” ở bất kỳ bãi biển nào trong đất liền có dịch vụ tương đương nhưng thời gian đi lại ít hơn.
Nhân nói chuyện vé máy bay nội địa cao thì sau lễ 30.4 -1.5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải phát văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, đến bây giờ Bộ Giao thông Vận tải mới yêu cầu kiểm soát giá vé máy bay là có phần muộn. Bởi giá vé máy bay quá cao khi phải “cõng” đến 20 loại phí là vấn đề đã được báo chí, dư luận đặt ra, phân tích nguyên nhân cũng như tác động tiêu cực của nó đối với việc đi lại của người dân, với ngành du lịch từ rất lâu trước đó.
Thật ra thì nói muộn cũng có lý nhưng kịp thời thì cũng đúng lý, bởi trước mắt, chúng ta vẫn còn một mùa hè cao điểm của du lịch, tiếp đến là kỳ nghỉ dự kiến 4 ngày trong dịp 2.9 và sau đó là Tết Nguyên đán. Thêm nữa, nhu cầu đi lại của người dân vẫn là chuyện hàng ngày chứ không riêng gì lễ, Tết hay du lịch vui chơi ngắn hạn.
Người dân hy vọng sự vào cuộc kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay của Bộ Giao thông Vận tải dịp này không chỉ là hoạt động tăng cường công tác quản lý Nhà nước đơn thuần, đến hẹn. Mà còn góp phần sớm bình ổn giá vé máy bay, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân!