Sáng nay, lo ngại tình trạng “đi đêm”, báo chí đặt một câu hỏi “Ai chịu trách nhiệm thẩm định giá SGK?”
Báo Tiền phong, dẫn lời Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận: Việc biên soạn, in ấn, phát hành và quyết định giá SGK thuộc về các NXB, đặc biệt trong bối cảnh thị trường SGK vẫn còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thì có thể dẫn tới việc tự định giá SGK ở mức cao so với nhu cầu xã hội
Sự thật: Như SGK lớp 1 chẳng hạn, nếu năm học 2019-2020 có giá 54.000 đồng/bộ thì năm nay, giá theo chương trình mới tăng đến 267%.
Nhưng 267% chưa phải là giới hạn cuối cùng.
Trước tình trạng đã đắt mà còn khan hiếm SGK lớp 6, một tờ báo đã “ghi tận mặt” cảnh cò mồi hét giá SGK ngay trước cửa hàng sách thuộc Công ty sách và thiết bị trường học Hà Nội.
Đại ý nhà sách báo hết sách cứ báo. Còn ở ngoài, cò tha hồ hét giá “900 kém 1 ngàn không bán”. Và 900 ngàn đồng, cho bộ sách 12 cuốn giá gốc 179.800 đồng. Riêng bộ sách tiếng Anh, khan hiếm nhất, bị đẩy tới 300 ngàn đồng trong khi giá niêm yết 115 ngàn đồng/4 cuốn.
Choáng váng, giận dữ, bất bình... nhưng rút cục, không ít cha mẹ buộc phải móc hầu bao cho một món hàng không thể không mua.
Năm 2004, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng từng gây chấn động nghị trường khi đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời điều tra chất lượng giáo dục.
Luận điểm của ông là ngân sách chi cho giáo dục chiếm 19% tổng chi ngân sách, tương đương 55.000 tỉ nhưng sử dụng quá lãng phí.
Câu hỏi của ông là “Vì sao người ta chỉ cần 100 tỉ mà Bộ GD-ĐT chi hàng nghìn tỉ mà SKG vẫn không ổn định, nhiều sai sót?
Đánh giá của ông là cán bộ giáo dục “đổ xô đi làm dự án”.
Hôm đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói một ý: Nếu có quy định được khước từ, tôi đã xin khước từ trả lời câu hỏi của đồng chí Dũng.
Câu hỏi ấy, có lẽ đến giờ vẫn thời sự.