Những tranh luận, phản biện, đóng góp ý kiến từ cộng đồng là cần thiết, ngành giáo dục cần lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết lời giải thích của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn là đúng: "Vật liệu tốt, chất liệu tốt, đầu tư công phu thì giá thành cao lên".
Ông Lượng không phủ nhận chuyện giá sách cao, nhưng đưa ra những yếu tố cần cân nhắc, xem xét, tính toán. Theo ông Lượng, nếu sách giáo khoa "khổ to, giấy đẹp", nhưng nặng quá, các em mang đi "mệt lắm".
Chi tiết này ít ai để ý nhưng rất đúng. Các em đi học phải mang quá nhiều sách, nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe, phát triển xương. Sách càng ít, càng nhẹ, càng có lợi cho sức khỏe của trẻ em.
Sách giáo khoa cũng không được mờ, xấu, nhưng không cần phải in giấy đắt tiền vì không cần thiết, là lãng phí. Giảm được một đồng cho một cuốn sách là giảm một số tiền rất lớn cho toàn xã hội.
Và cũng từ những bộ sách giáo khoa phù hợp, có thể dạy cho con cái chúng ta bài học về không được lãng phí.
Một điều ai cũng biết, đối với sách giáo khoa, quan trọng nhất là chất lượng. Sách giáo khoa là công cụ để chuyển tải kiến thức, đạo đức cho học sinh, không phải là món hàng để kinh doanh. Nếu tính toán, tăng khổ to, giấy đẹp để lãi nhiều thì chọn các món hàng khác, không phải là sách giáo khoa.
Thêm một điều nữa là thực hành tiết kiệm qua cách sử dụng sách giáo khoa.
Nội dung sách giáo khoa chất lượng cao, chuẩn, ổn định, được áp dụng giảng dạy và học tập lâu dài. Học sinh sử dụng sách xong, có thể để lại cho người học sau, như anh để lại cho em, tặng hàng xóm, hoặc tặng lại trường. Nhà trường cho học sinh mượn sách, học xong trả lại.
Cũng qua đó, giáo dục cho học sinh tính tiết kiệm, tính cẩn thận. Các em biết giữ gìn sách giáo khoa sạch sẽ, không bị hư hỏng, để lại cho người sau có bộ sách nguyên vẹn.
Cho nên, "khổ to, giấy đẹp" không phải là mục tiêu của việc sản xuất một bộ sách giáo khoa, mà là chất lượng nội dung và các giá trị khác mà bộ sách có thể mang lại.