Chú thích ảnh: "Đặc biệt, khi quan sát kỹ phần kết cấu bên trong, phóng viên đã thấy những vật liệu không phải là thành phần của bê tông, gạch, đá, vữa, được trộn lẫn vào...".
Đó chỉ là một tấm ảnh trong phóng sự ảnh "Quảng trường hơn 200 tỉ đồng ở Hoà Bình xuống cấp nghiêm trọng" đăng trên Lao Động ngày 8.12.2021.
Công trình kiến trúc, văn hóa trọng điểm được xây dựng nhân dịp chào mừng 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình. Nhưng mới sau 4 năm, chỉ còn lại những mảng bê tông, những đường lót gạch bị hư hỏng, vỡ nát, bong tróc.
Khi những miếng đá ốp bên ngoài bị rơi xuống, thì tất cả những gì bên trong trước đây được che đậy đã bày biện ra hết. Người ta nhét, "độn" đủ mọi thứ có thể để thay thế cho xi măng, gạch đá đúng tiêu chuẩn. Dấu hiệu sai phạm trong xây dựng quá rõ ràng, không thể chối cãi.
Những tấm ảnh như những bản cáo trạng tố cáo về một công trình xây dựng kém chất lượng, xuống cấp nghiêm trọng. Chuyện rút ruột công trình có hay không hãy chờ cơ quan điều tra vào cuộc, nhưng nhân dân thông minh cứ nhìn là biết, khỏi cần nói nhiều.
200 tỉ đồng, số tiền không nhỏ, bây giờ là đống gạch, đá, bê tông nhơm nhếch. Một quảng trường được xây dựng để làm đẹp đô thị, nhưng hậu quả là chính nó làm mất mỹ quan đô thị. Và theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, sân cỏ tại quảng trường trở thành nơi “lý tưởng” để chăn thả gia cầm.
Có điều rất đáng để suy nghĩ, những người thực hiện công trình này thừa biết xây dựng cẩu thả như vậy chắc chắn sớm muộn sẽ bị phát hiện. Nhưng họ không ngại, không sợ, vẫn cứ làm như một sự thách thức.
Công trình hơn 200 tỉ đồng bị xuống cấp nghiêm trọng, sờ sờ trước mắt người dân. Cần phải có câu trả lời tại sao và phải có người chịu trách nhiệm.
Đất nước có nhiều công trình quảng trường, tượng đài, và rất đáng lo ngại là nhiều công trình có tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do xây dựng không đạt chất lượng. Nếu không làm rõ và xử lý những sai phạm trong xây dựng ở các công trình này thì chuyện "rút ruột" sẽ còn tiếp tục như đã chứng kiến.