Chuyện vệ sinh rất tế nhị, nhiều du khách có nhu cầu nhưng không có cách giải quyết, nhà vệ sinh công cộng thiếu, nếu có thì quá dơ bẩn. Không ít du khách quốc tế than phiền về nhà vệ sinh ở Việt Nam, và họ xem đó là thiếu thân thiện.
Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống nhà vệ sinh của Việt Nam lạc hậu, không văn minh và như vậy là ứng xử không lịch sự, chu đáo với du khách.
Mô hình vận động người dân tham gia “chia sẻ” nhà vệ sinh cho du khách không mới, Huế có chương trình chung tay xây dựng môi trường du lịch thành phố Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”, cũng phát động “nhà vệ sinh miễn phí”. Sau 1 tháng thực hiện, đến cuối tháng 3, đã có 138 điểm nằm trên 56 tuyến đường trung tâm. Mục tiêu của thành phố Huế có từ 300 - 500 điểm vệ sinh miễn phí cho du khách được đưa vào hoạt động vào cuối tháng 4.2023.
Hàng quán, khách sạn, treo một tấm biển miễn phí và hướng dẫn vào nhà vệ sinh cho du khách thể hiện sự mến khách của người dân. Chương trình này rất được cộng đồng hưởng ứng và tham gia rất nhanh vì nhà nào cũng có sẵn “toilet” để “free”. Đôi khi, chỉ với hoạt động tưởng chừng như là “nhỏ” này, lại đem đến sức hút lớn cho du lịch.
Từ mô hình của quận 1 TP Hồ Chí Minh, thành phố Huế, mà nhiều địa phương khác nên học tập mô hình này, để khắp đất nước Việt Nam, nơi nào cũng có được hoạt động phục vụ du khách thiết thực, thân thiện và lịch sự.
Khi có sự chia sẻ của cộng đồng về nhà vệ sinh miễn phí, sẽ giảm bớt áp lực cho hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nhưng chính quyền các tỉnh, thành vẫn cần phải tập trung xây mới và nâng cấp nhà vệ sinh sạch, đẹp. Đầu tư nâng chất lượng phục vụ nhu cầu của con người, đừng xem nhà vệ sinh là công trình phụ, mà là công trình ưu tiên hàng đầu của đô thị.
Đừng nói chuyện to tát về văn minh, mà hãy lo cái nhà vệ sinh cho tử tế thì đó chính là văn minh, làm tốt một việc rất cụ thể.
Xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia và địa phương, hãy cứ vẽ những bước đi thật “hùng dũng”, nhưng đừng quên xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt “tiêu chuẩn vệ sinh”.