Hai mẫu xe của VinFast là mẫu sedan Lux A2.0 và mẫu SUV Lux SA2.0, ra lò sau khi dự án tổ hợp sản xuất ôtô VinFast được khởi công tại Hải Phòng khoảng 12 tháng.
Khoan hãy đặt ra vấn đề tỉ lệ nội địa hóa đối với VinFast. Trước hết hãy nói về thương hiệu, cái tên VinFast tại Paris Motor Show đã tạo ra hiệu ứng lan truyền.
Bài học từ cách làm của VinFast: Cái gì chưa làm được thì mua về sử dụng và có thể hiệu chỉnh, phát triển trên nền tảng đó; chứ không cứ cố chấp tự làm, có khi mất cả trăm năm cũng không tạo ra được sản phẩm chất lượng như người ta. Cần nhận thức rằng đây cũng là một cách đi tắt.
Nhưng nếu đi tắt theo cách này mà về lâu dài không có nghiên cứu và phát triển (R&D) thì cuối cùng cũng chỉ thuần túy là lắp ráp mà không tạo ra giá trị khác biệt. Cho nên, giai đoạn đầu là copy nhưng đồng thời phải đầu tư vào nghiên cứu, thiết kế để dần làm chủ công nghệ. Một thương hiệu ôtô Việt hoàn toàn có thể chỉ cần đầu tư vào R&D, còn khâu sản xuất, lắp ráp có thể gia công bên ngoài. Nếu doanh nghiệp đầu tư được nhà máy sản xuất thì sẽ còn chủ động hơn rất nhiều.
Suốt hơn 20 năm qua, chúng ta từng chờ đợi ngành công nghiệp ôtô Việt Nam ra đời. Nhưng bài học đắt giá ghi nhận được sau hơn 20 năm đó chính là: Không thể xây dựng một ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với chỉ trông chờ vào sự hứa hẹn của các Cty sản xuất, lắp ráp ôtô đến từ nước ngoài.
Khát vọng dở dang đó, bây giờ trông chờ vào nội lực, từ các doanh nghiệp Việt, để tiếp tục hoàn thành. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu rằng những doanh nghiệp như VinFast, Trường Hải, Hyundai Thành Công chính là những mũi nhọn để xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Chính vì thế, sự trình làng của ôtô VinFast tại Paris Motor Show có tính chất như một dấu mốc chứ chưa hẳn đã phản ánh toàn diện nỗ lực của một số doanh nghiệp Việt trên con đường xây dựng thương hiệu và sản phẩm ôtô đậm đà hơn về tư duy, chất xám của người Việt.
Khái niệm “công nghiệp ôtô Việt Nam” cũng cần được hiểu rộng hơn trong xu thế vận động phát triển của kinh tế toàn cầu: Đó là chuỗi cung ứng toàn cầu, không quá đặt nặng về khái niệm “tỉ lệ nội địa hóa” như hơn 20 năm về trước. Đó là sự làm chủ với bộ não là các trung tâm R&D cùng với sự xây dựng thương hiệu mạnh và lan tỏa rộng.
“Chip Qualcomm” nhưng thực ra không do Qualcomm sản xuất, Cty này chỉ nghiên cứu và thiết kế rồi bán bản quyền. Huawei thời kì chưa làm smartphone cũng không hề có nhà máy, họ chỉ làm R&D về các giải pháp mạng, thiết bị viễn thông rồi gia công sản xuất bên ngoài. Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, khát vọng vẫn còn đó và cần bồi đắp thêm, nhưng tư duy về khái niệm cần được điều chỉnh.