Không có thiệt hại về người, đó là điều may mắn, nhưng cũng do chính quyền địa phương đã chủ động ứng phó trước thiên tai, thông báo cho dân, di dời dân khỏi những khu vực nguy hiểm.
Tình trạng sạt lở không còn xảy ra đơn lẻ, mà ngày càng phổ biến khi có mưa lớn. Sạt lở không chỉ cắt đứt giao thông, hủy hoại tải sản của người dân và công trình công cộng, mà nguy hiểm nhất là đe dọa tính mạng của nhiều người.
Nỗi đau Rào Trăng 3, Thừa Thiên - Huế; Trà My, Quảng Nam đến nay vẫn chưa nguôi, nỗi ám ảnh những núi đất đổ ập xuống vẫn còn trong tâm trí của người dân ở vùng núi non hiểm trở. Mới đây, vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc làm 3 cảnh sát giao thông hy sinh thêm một lần cảnh tỉnh các địa phương về mối họa khủng khiếp này. Chỉ cần một cơn mưa lớn, một ngọn núi có thể nổ bùng như trận bom, hậu quả không thể lường hết được.
Sau các vụ sạt lở kinh hoàng năm 2020, đã có nhiều ý kiến đề xuất về nghiên cứu lập ra bản đồ sạt lở để chủ động phòng chống, nhưng cho đến nay chưa thấy có công bố cụ thể. Trong khi chờ đợi những thông tin từ các cơ quan khoa học, chính quyền các địa phương bằng kinh nghiệm, trách nhiệm, phải đưa ra các giải pháp chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân khi có mưa bão.
Nhưng phòng chống sạt lở căn cơ nhất, bền vững nhất, là bảo vệ rừng, đồng thời phải trồng thêm rừng, phục hồi những đồi núi bị tàn phá. Những cánh rừng, những núi non được phủ xanh không chỉ chống sạt lở, mà chống lũ quét, giảm nhẹ ngập lụt cho hạ lưu.
Các chương trình trồng rừng, các dự án lớn nhỏ về bảo vệ môi trường không bao giờ là muộn nếu chúng ta biết bắt đầu. Ngoài ra, các địa phương phải quản lý thật tốt để ngăn chặn nạn phá rừng, không chỉ lâm tặc, mà còn nhiều người dân lấn đất lâm nghiệp, phá rừng làm nơi sinh sống. Dân vi phạm là do chính quyền còn buông lỏng quản lý.